BÀ BẦU BỊ VIÊM MŨI DỊ ỨNG CÓ SAO KHÔNG?

Viêm mũi thai kỳ có thể được định nghĩa là các triệu chứng về mũi trong thời gian mang thai, kéo dài 6 hoặc nhiều tuần mà không có dấu hiệu khác của nhiễm trùng đường hô hấp và nguyên nhân gây dị ứng không rõ, biến mất hoàn toàn trong vòng hai tuần sau khi sinh. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về nguyên nhân và phòng ngừa triệu chứng của bệnh.

1. Bệnh viêm mũi dị ứng là gì?

Bệnh viêm mũi dị ứng là tình trạng viêm niêm mạc mũi do tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên đường hô hấp. Bệnh có các triệu chứng đặc trưng đó là: Ngứa mũi, ngạt mũi, hắt hơi và chảy nước mũi.

2. Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng là gì?

Nguyên nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng chủ yếu là do phản ứng của cơ thể khi gặp phải các vật lạ đối với cơ thể hay còn gọi là yếu tố dị nguyên. Các yếu tố dị nguyên thường gặp như là bụi nhà, lông chó, mèo, phấn hoa, bào tử nấm (nấm mốc),…

Các tác nhân này đóng vai trò là các kháng nguyên, khi vào cơ thể, chúng tiếp xúc với kháng thể tương ứng (có trong cơ thể) sẽ xảy ra hiện tượng phản ứng. Các phản ứng này xảy ra ở ngay lớp nhầy niêm mạc của hệ thống đường hô hấp trên như mũi, họng, xoang,… từ đó gây ra hiện tượng viêm và kích thích niêm mạc tại đây.

Đồng thời, bệnh viêm mũi dị ứng có liên quan với cơ địa dị ứng. Căn bệnh này thường gặp ở những người có cơ địa dị ứng như hen phế quản, viêm da cơ địa, mề đay mạn tính,… Vì vậy mà với cùng một tác nhân gây kích thích có người bị viêm mũi dị ứng, có người lại không bị.

Các tác nhân gây kích thích ngoài việc xâm nhập theo đường hô hấp còn có thế vào cơ thể qua đường da hoặc qua đường ăn uống.

Phụ nữ có cơ địa dị ứng, khi mang thai cơ thể lại trở nên nhạy cảm hơn với các yếu tố dị nguyên, chính vì vậy tình trạng viêm mũi dị ứng có thể xảy ra thường xuyên hơn. Có khoảng 15 – 20% phụ nữ trong độ tuổi mang thai bị ảnh hưởng bởi viêm mũi dị ứng. Đây cũng là rối loạn thường gặp nhất, gây ra nhiều khó chịu cho phụ nữ trong giai đoạn thai nghén.

Thậm chí có thể gây ra tình trạng nặng hơn là xung huyết và phù nề niêm mạc mũi. Với một số bệnh nhân có bệnh viêm mũi dị ứng thì các triệu chứng bệnh có thể tăng lên trong 3 tháng cuối của thai kỳ.

3. Bà bầu bị viêm mũi dị ứng có sao không?

viêm mũi dị ứng
Với các bà bầu khi bị viêm mũi dị ứng thoáng qua có thể không gây ảnh hưởng trực tiếp tới thai nhi

Với các bà bầu khi bị viêm mũi dị ứng thoáng qua có thể không gây ảnh hưởng trực tiếp tới thai nhi. Tuy nhiên, nếu như không thể kiểm soát được, thì bệnh viêm mũi dị ứng có thể gây ảnh hưởng gián tiếp đến thai nhi do sức khỏe của mẹ không được tốt bởi chất lượng giấc ngủ kém, bà bầu mệt mỏi, bị căng thẳng, thậm chí có thể gây bội nhiễm dẫn tới viêm mũi mạn tính, viêm họng.

Với các trường hợp viêm mũi dị ứng kéo dài sẽ làm giảm cung cấp oxy trong khi ngủ, từ đó giảm lượng oxy cung cấp cho thai nhi. Tình trạng này có thể làm cho thai nhi chậm phát triển trong tử cung, mẹ bầu tăng nguy cơ bị tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật.

4. Điều trị viêm mũi dị ứng khi mang thai như thế nào?

Chị em phụ nữ khi mang thai cần hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc. Khi có các triệu chứng của viêm mũi dị ứng thai phụ nên đi khám để được các bác sĩ thăm khám và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Bà bầu tuyệt đối không được tự mua thuốc điều trị khi không có chỉ định của bác sĩ, vì một số loại thuốc điều trị dị ứng có ảnh hưởng đến thai nhi. Không dùng thuốc theo sự mách bảo của người khác, bởi thuốc có thể an toàn với người này, nhưng lại có thế nguy hiểm với người khác.

Đặc biệt là bản thân những người bị viêm mũi dị ứng vốn có cơ địa rất nhạy cảm, nên việc sử dụng thuốc càng phải thận trọng hơn. Việc sử dụng thuốc không đúng có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc, thậm chí có thể nguy hiểm cho cả mẹ và con.

5. Cách phòng tránh bệnh viêm mũi dị ứng khi mang thai

Không nên nuôi động vật như chó, mèo,… trong nhà khi mang thai

Những người có địa dị ứng, đặc biệt là với phụ nữ khi mang thai cần phải chú ý các điều sau đây, để có thể phòng tránh bệnh viêm mũi dị ứng một cách hiệu quả nhất:

  • Tìm hiểu xem dị nguyên gây ra tình trạng này để phòng tránh hiệu quả (bằng các phương pháp tìm dị nguyên đặc hiệu như test da hoặc xét nghiệm máu tìm IgE đặc hiệu dị nguyên)
  • Giữ cho nhà cửa và môi trường sống luôn sạch sẽ, thoáng mát, tránh để ẩm ướt.
  • Không nuôi súc vật như chó, mèo,… trong nhà.
  • Tránh ăn lại các thức ăn đã gây dị ứng trước đó
  • Khi trời trở lạnh cần phải giữ ấm cho cơ thể, đặc biệt là vùng cổ, mũi.
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày, đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy.
  • Nên đeo khẩu trang khi quét dọn nhà của và khi đi ra ngoài đường
  • Giai đoạn đầu, nếu người mẹ chỉ bị viêm kích ứng, chỉ cần sử dụng một số thảo dược an toàn với phụ nữ mang thai như húng chanh, gừng, tía tô, quất…

Bà bầu bị viêm mũi dị ứng có thế gây ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi. Chính vì vậy, người mẹ cần đặc biệt chú ý phòng tránh trong giai đoạn này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *