THÔNG TIN VỀ VIÊM MŨI DỊ ỨNG BỘI NHIỄM

Viêm mũi dị ứng bội nhiễm thường xảy ra khi viêm mũi dị ứng kéo dài, không được điều trị. Không chỉ gây ra các triệu chứng khó chịu gây ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh, nếu không được điều trị viêm mũi dị ứng bội nhiễm còn có thể gây ra các biến chứng trên đường hô hấp như viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản,…

1. Viêm mũi dị ứng bội nhiễm là gì?

Viêm mũi dị ứng là phản ứng của mũi khi tiếp xúc với các tác nhân dị ứng trong không khí. Khi mắc viêm mũi dị ứng, hệ thống miễn dịch sẽ xác định nhầm một chất thường vô hại là tác nhân xâm nhập. Cơ thể sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch phản ứng bằng cách giải phóng histamin và các chất trung gian hóa học gây các triệu chứng ở mũi, họng, tai, mắt, da, vòm miệng. Viêm mũi dị ứng có thể xảy ra theo mùa hoặc quanh năm. Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng theo mùa thường là phấn hoa, cỏ khô, bào tử. Trong khi nguyên nhân gây viêm mũi xoang dị ứng quanh năm là bụi bặm, lông thú, khói thuốc lá,… Thời tiết thay đổi đột ngột, môi trường ô nhiễm là các yếu tố làm viêm mũi dị ứng dễ xuất hiện hơn. Các bất thường bẩm sinh của cấu trúc mũi như vẹo vách ngăn, gai vách ngăn góp phần làm bệnh thêm nặng.

Bệnh viêm mũi dị ứng có lây không?

Một bệnh lý có mối quan hệ chặt chẽ với viêm mũi dị ứng là viêm mũi xoang dị ứng. Do cùng chung niêm mạc đường hô hấp nên trong nhiều trường hợp, viêm mũi dị ứng xảy ra sẽ làm sưng nề các cuốn mũi và dẫn đến tình trạng tắc các lỗ dẫn lưu dịch từ xoang xuống mũi và dẫn đến viêm xoang.

Viêm mũi dị ứng
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây viêm mũi dị ứng

Khi bị viêm mũi dị ứng, niêm mạc mũi của bệnh nhân bị tổn thương nên rất dễ bị xâm nhập bởi các nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn. Nếu không được điều trị, viêm mũi dị ứng kéo dài lâu ngày, người bệnh có nguy cơ bội nhiễm virus, vi khuẩn và gây nên tình trạng viêm mũi dị ứng bội nhiễm.

Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng bội nhiễm là:

  • Hắt hơi: Người bệnh có thể hắt hơi một vài cái đến một tràng dài vài chục cái. Sau hắt hơi, người bệnh thường thấy mệt mỏi, nhức đầu.
  • Sổ mũi: Đầu tiên là chảy mũi trong, nước mũi chảy tự nhiên rất khó cầm lại được, có thể chảy nước mũi rất nhiều hoặc chỉ là khụt khịt, có trường hợp chảy mũi ra sau họng, người bệnh phải tằng hắng, ho, khạc nhổ. Khi chuyển sang giai đoạn bội nhiễm, nước mũi trở nên đặc, có màu xanh hoặc vàng, có thể có mùi hôi.
  • Nghẹt mũi: Có thể nghẹt luân phiên mũi từng bên hoặc nghẹt mũi cả hai bên. Tình trạng nghẹt mũi sẽ tăng lên khi người bệnh ở trong phòng máy lạnh.
  • Ngứa mũi: Gây cảm giác rất khó chịu, người bệnh phải thường xuyên đưa tay dụi mũi.

Ngoài ra, có thể xuất hiện một số triệu chứng ở các cơ quan lân cận như:

  • Ngứa mắt, ngứa trong họng hoặc vòm họng.
  • Phù mí mắt, quầng thâm quanh mắt, cảm giác đầy tai, viêm tai giữa, khàn tiếng do phù nề dây thanh quản.
Sưng mắt phù
Tình trạng phù mí mắt

Nếu viêm mũi dị ứng bội nhiễm không được điều trị, tình trạng bội nhiễm sẽ ngày càng nặng hơn do virus, vi khuẩn ngày càng phát triển và lây lan mạnh. Người bệnh có thể gặp các biến chứng như viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản,…

2. Cách trị viêm mũi dị ứng bội nhiễm

Khi có các triệu chứng của viêm mũi dị ứng bội nhiễm, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được điều trị sớm. Nếu xác định nguyên nhân gây bội nhiễm là vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê cho bệnh nhân đơn thuốc có kháng sinh. Bác sĩ cũng có thể chỉ định các thuốc giảm triệu chứng dị ứng hắt hơi, sổ mũi, các thuốc xịt mũi, xịt họng có tác dụng tại chỗ,… để giúp bệnh nhân dễ chịu hơn. Bệnh nhân nên sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để nhanh chóng hồi phục, không tự ý ngưng thuốc, đổi thuốc mà chưa thông qua ý kiến bác sĩ.

Để hạn chế nguy cơ xảy ra tình trạng viêm mũi dị ứng bội nhiễm, phải kiểm soát tốt bệnh viêm mũi dị ứng, điều trị sớm khi có triệu chứng, không để bệnh kéo dài. Các thuốc thường được điều trị viêm mũi dị ứng hiện nay là thuốc kháng histamin, thuốc co mạch và thuốc corticoid. Tùy theo mức độ của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc với liều thích hợp để đạt hiệu quả cao và ít tác dụng phụ nhất.

Khám tai mũi họng Vinmec
Người bệnh nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám và điều trị

Bệnh viêm mũi dị ứng rất khó điều trị dứt điểm. Cách phòng bệnh lý tưởng nhất là tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, nếu dị ứng với bụi nhà thì nên giữ nhà cửa sạch sẽ, hạn chế sử dụng các vật dụng nhồi bông, thảm vì đây là nơi tích trữ rất nhiều bụi. Thường xuyên giặt ga, gối, giữ phòng ngủ thông thoáng. Không nên nuôi vật nuôi trong nhà nếu dị ứng với lông động vật. Nếu dị ứng với phấn hoa, bào tử nên đóng cửa sổ, sử dụng thiết bị lọc khí trong nhà, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *