TRIỆU CHỨNG UNG THƯ TẾ BÀO VẢY TRÊN DA VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ ?

Ung thư tế bào vảy trên da là một dạng ung thư da đang có chiều hướng gia tăng, chủ yếu do tiếp xúc với tia cực tím (UV) thường xuyên. Nếu không được nhận diện để chữa trị sớm bệnh có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm. Vậy triệu chứng ung thư tế bào vảy trên da là gì, làm cách nào có thể chẩn đoán được, bài viết sau xin được chia sẻ về vấn đề này.

1. Yếu tố nguy cơ và mức độ nguy hiểm của ung thư tế bào vảy trên da

1.1. Có những loại ung thư tế bào vảy trên da nào

Ung thư tế bào vảy trên da hình thành khi tế bào vảy của da tăng trưởng mất kiểm soát

Ung thư tế bào vảy trên da (SCC, ung thư biểu mô tế bào vảy, ung thư tế bào gai) là dạng bệnh lý ác tính xảy ra khi có sự tăng trưởng một cách mất kiểm soát của tế bào vảy da. Loại tế bào này tạo nên lớp giữa và lớp ngoài của da, có mặt ở khắp nơi trên da nên bệnh ung thư biểu mô tế bào vảy cũng có thể xuất hiện ở mọi nơi có sự hiện diện của tế bào vảy.

Dựa vào hình dạng và vị trí của bệnh mà ung thư tế bào vảy trên da được chia thành:

  • Ung thư tế bào vảy dạng mảng bám: xuất hiện các mảng màu đỏ đậm trên da, khi sờ nắn vào sẽ gây chảy máu.
  • Ung thư tế bào vảy dạng nốt: xuất hiện các nốt giống như một viên nang trên da, khi sờ nắn vào có cảm giác cứng.
  • Ung thư tế bào vảy dạng loét: xuất hiện các dạng tổn thương giống như miệng hố, xung quanh là các cạnh nổi lên, dễ bị chảy máu.

1.2. Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư thế bào vảy trên da là gì

Trước khi tìm hiểu triệu chứng của bệnh ung thư tế bào vảy da là gì chúng ta cần phải lưu ý đến yếu tố làm tăng nguy cơ đối với căn bệnh này. Theo đó, ung thư biểu mô tế bào vảy có nguy cơ cao ở những đối tượng:

  • Da sáng màu

Những người có làn da sáng màu sẽ có ít sắc tố (melanin) trong da nên khả năng tự bảo vệ của da trước tác động của tia UV cũng bị giảm và tăng nguy cơ mắc bệnh.

  • Phơi nắng quá mức

Thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng tia cực tím từ mặt trời cũng sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh, nhất là ở những người không có sự che chắn cẩn thận khi đi ra bên ngoài.

Phơi nắng quá mức làm tăng nguy cơ bị ung thư biểu mô tế bào vảy trên da

  • Dùng giường tắm nắng

Nếu dùng giường tắm nắng trong nhà thì cũng sẽ có nguy cơ cao với bệnh lý này.

  • Tiền sử từng bị cháy nắng

Nếu ngày nhỏ từng có những vết phồng rộp vì cháy nắng thì khi trưởng thành cũng nên cảnh giác với ung thư biểu mô tế bào vảy.

  • Đã từng bị tổn thương tiền ung thư da

Người từng bị tổn thương tiền ung thư da có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người thường.

  • Suy yếu hệ miễn dịch

Đây là đối tượng sẽ tăng nguy cơ mắc ung thư da.

  • Rối loạn di truyền hiếm gặp

Các loại bệnh rối loạn di truyền hiếm gặp như: rất nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, bị khô da nhiễm hắc sắc tố,… cũng sẽ có nguy cơ bệnh rất cao.

1.3. Mức độ nguy hiểm của ung thư tế bào vảy trên da như thế nào

Bản thân bệnh ung thư tế bào vảy ở da phát triển tương đối chậm nhưng nó lại có khả năng di căn đến các cơ quan khác vì nó là căn bệnh ác tính, nặng nhất có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, nếu không phát hiện và điều trị sớm, bệnh còn dễ gây ra các hệ lụy như:

  • Xuất hiện mụn cóc, vết loét,… ảnh hưởng xấu về thẩm mỹ nên người bệnh mất tự tin về cơ thể mình.
  • Tế bào ung thư có thể phá hủy các mô khỏe mạnh ở vùng lân cận và lan đến các hạch bạch huyết, các cơ quan khác để lại nhiều biến chứng.

2. Triệu chứng ung thư tế bào vảy ở da là gì, chẩn đoán bằng cách nào

2.1. Triệu chứng của bệnh ung thư tế bào vảy ở da

Vậy triệu chứng ung thư tế bào vảy trên da là gì? Bất cứ vùng da nào trên cơ thể cũng có thể phát triển tổn thương của bệnh, phổ biến nhất là vùng da tiếp xúc thường xuyên với bức xạ tia cực tím (UV). Bệnh có thể phát triển thành sẹo hoặc vết loét trên da còn vùng da lân cận thường có dấu hiệu nhăn nheo, mất khả năng đàn hồi, thay đổi sắc tố.

Bệnh nhân được bác sĩ chia sẻ triệu chứng của ung thư tế bào vảy trên da là gì để dễ dàng nhận diện bệnh

Tổn thương thường gặp nhất là các mảng đỏ, không đau, dày, kéo dài dai dẳng. Phía trên tổn thương có thể có vảy và bờ không đều. Tổn thương phát triển chậm sau đó chuyển sang lở loét. Ngoài ra, tổn thương cũng có thể khởi đầu ở các vết thương da cũ hoặc mạn tính như: sẹo do bỏng, viêm loét lâu ngày vì hẹp bao quy đầu, vết viêm da,… Một số trường hợp tổn thương còn khá giống mụn cóc bị chảy máu và lở loét.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể xuất hiện tổn thương dạng khối u bị lõm, chảy máu và lở loét ở phần trung tâm; phần bờ nhô cao. Nếu tổn thương ở môi chủ yếu sẽ là môi dưới, trường hợp này hay xảy ra ở người có thói quen nhai trầu, hút thuốc. Một dạng đặc biệt khác của ung thư tế bào vảy da là ung thư tế bào gai ở móng, rất dễ gây nhầm lẫn với mụn cơm ở móng và chỉ có thể chẩn đoán xác định qua sinh thiết.

2.2. Cách thức chẩn đoán đối với bệnh ung thư tế bào vảy da

Để chẩn đoán bệnh ung thư tế bào vảy da, có rất nhiều phương pháp có thể thực hiện. Tuy nhiên, việc quan trọng nhất vẫn là mỗi người phải thường xuyên tự kiểm tra các thương tổn bất thường trên da hàng ngày, nếu các bất thường này có đặc điểm nghi ngờ ung thư hoặc các tổn thương kéo dài lâu khỏi, không đáp ứng điều trị thì cần đi khám ngay để bác sĩ sẽ định hướng bệnh.

  • Khám sức khỏe

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử và tiến hành kiểm tra da để tìm kiếm dấu hiệu của bệnh.

  • Sinh thiết

Nếu thấy cần thiết, bác sĩ sẽ sinh thiết lấy mô ở vùng da nghi ngờ tổn thương để làm giải phẫu bệnh, lấy cơ sở chẩn đoán bệnh.

Về cơ bản, hầu hết chúng ta không thể nhận diện được triệu chứng ung thư tế bào vảy trên da là gì. Vì thế, khi bỗng nhiên có một tổn thương trên da trong khoảng 2 tháng mà không lành được hay có một miếng da phẳng có vảy không mất đi mà cứ thế tồn tại trong thời gian dài thì tốt nhất nên đến gặp bác sĩ da liễu để thăm khám và chẩn đoán. Bệnh lý này càng được phát hiện và chữa trị sớm thì khả năng chữa khỏi càng cao.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *