TÌM HIỂU NHỮNG THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ TÌNH TRẠNG NẤM DA ĐẦU

Nấm da đầu là tình trạng viêm nhiễm ở chân tóc, gây ra bởi các loại nấm. Bệnh lý này rất dễ lây bằng cách trực tiếp qua các tế bào trên da dầu hoặc gián tiếp do dùng chung các vật dụng cá nhân như lược, mũ với người mắc. Vì vậy, mỗi cá nhân cần chủ động nhận biết nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa bệnh.

1. Nguyên nhân gây nấm da đầu là gì

Các loại nấm gây ra tình trạng này thường gặp là: trichophyton, dermatophytes,… Nấm phát triển mạnh mẽ trên các mô đã chết. Chúng cần độ ẩm và sự ấm áp, vì vậy những người hay đổ mồ hôi có nguy cơ nhiễm nấm cao. Nấm da đầu là bệnh phổ thông thường gặp ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ em là đối tượng dễ bị nhất. Tình trạng xuất phát từ lối sống và sức khỏe của người bệnh, các nguyên nhân chủ yếu gồm:

  • Môi trường sống ẩm ướt.
  • Không thường xuyên vệ sinh cá nhân, gội đầu không sạch.
  • Người hay ra mồ hôi, để da đầu bị ướt trong thời gian dài như để đầu ướt khi đi ngủ, đầu bị ướt vì nước mưa,…
  • Không giặt chăn, gối thường xuyên.
  • Bị lây nhiễm vì tiếp xúc với hoặc sử dụng các đồ dùng của người bệnh hoặc tiếp xúc với con vật bị nhiễm nấm.
  • Hệ miễn dịch suy yếu.
  • Quần áo nhiễm nấm, không được giặt sạch hoặc thường xuyên mặc đồ bị ẩm.
  • Hạn chế sử dụng các vật dụng như vòi hoa sen công cộng, nếu có sử dụng hồ bơi công cộng bạn hãy tắm lại thật sạch sẽ để hạn chế các loại nấm truyền nhiễm có thể có trong hồ.

Nấm gây hại đến da và rất dễ tái phát

2. Triệu chứng

Triệu chứng phổ biến nhất của nấm da đầu bao gồm:

  • Các sợi tóc có thể bị gãy gần da đầu, ở đó có các vùng da đỏ có vảy hoặc các vùng không có tóc. Nếu không điều trị sớm những khu vực này sẽ phát triển và lan rộng.
  • Xuất hiện vảy hoặc từng mảng vảy lớn.
  • Mọc mụn mủ hoặc mụn nước.
  • Xuất hiện các vết sần ngứa và đau, dần lan ra vùng da lân cận.
  • Da đầu ẩm, gây bết tóc.

Nấm da đầu tạo vảy và những vệt đỏ, trắng

3. Hậu quả

Khi không được quan tâm, chữa trị đúng cách bệnh sẽ gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng:

  • Ở điều kiện thuận lợi, các loại nấm sẽ phát triển mạnh mẽ dẫn đến tình trạng nhiễm nấm nặng. Nấm sẽ lây lan đến các vùng khác trên cơ thể như móng tay, bẹn,…
  • Bệnh có nguy cơ tái phát cao nếu không kiên trì chữa trị.
  • Khi không điều trị hợp lý sẽ gây tích tụ các tế bào chết làm cho da đầu nổi mụn gây ngứa khiến người mắc gãi, cào rách phần da đó dẫn đến nhiễm trùng. Tình trạng bệnh lý này có tên là Kerion, xuất hiện một vùng bị viêm, sưng lên, có nhiều mủ, đau đớn, có thể kèm theo sốt. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây nên sẹo và hói đầu vĩnh viễn.
  • Có thể bị sốt nhẹ, sưng hạch bạch huyết.
  • Gây ghẻ trên da đầu và một số bệnh nguy hiểm khác.
  • Lây lan cho những người xung quanh.

Bệnh kích ứng da đầu gây ngứa và bắt buộc người mắc phải gãi

4. Chẩn đoán

Kiểm tra lâm sàng cũng có thể phát hiện được nhưng dễ gây nhầm lẫn với các bệnh về da khác. Để xác định rõ, các cơ sở y tế sẽ sử dụng những cách sau:

  • Sử dụng đèn tia cực tím vào vùng da bị ảnh hưởng và có thể xác định các dấu hiệu nhiễm trùng. Tùy vào loại nấm, có một vài trường hợp khi chiếu đèn nấm có thể phát sáng.
  • Các mẫu bệnh phẩm như dịch hoặc da từ vết sần được gửi đến phòng thí nghiệm để xác định. Đối với da bác sĩ sẽ dùng phương pháp kiểm tra nấm bằng KOH (kali hydroxit), dung dịch này phá vỡ các tế bào da để lại các phần tử nấm từ đó sẽ thấy rõ dưới kính hiển vi.

5. Cách trị nấm da đầu và phòng ngừa

Trị nấm da đầu

Quá trình điều trị phải đòi hỏi sự kiên trì vì bệnh rất chậm lành. Một vài trường hợp sẽ mất một khoảng thời gian khá dài để có thể thấy dấu hiệu tiến triển tích cực. Thuốc bôi trị nấm ngoài da được ưu tiên sử dụng trước trong quá trình điều trị. Nếu bệnh quá nặng sẽ phải dùng đến thuốc uống. Tuy nhiên, thuốc sẽ có tác dụng phụ đi kèm có thể xảy ra bao gồm:

  • Gây đau đầu, chóng mặt, nôn mửa.
  • Ngứa, đau bụng, phát ban, mất vị giác tạm thời.
  • Những người dị ứng với penicillin sẽ có những phản ứng dị ứng nhất định.
  • Sốt, một số trường hợp hiếm sẽ ảnh hưởng xấu đến gan.

Bạn có thể sử dụng một số loại dầu gội thuốc có các thành phần dược chất như selen sulfide, ketoconazole. Loại dầu gội này có tác dụng ngăn ngừa tình trạng nấm lây lan, tuy nhiên nó không loại bỏ hoàn toàn các loại nấm ngoài da, vì thế để đạt hiệu quả tốt trong quá trình điều trị bạn cần kết hợp phương pháp này với các loại thuốc uống hoặc bôi.

Các thành viên trong gia đình và vật nuôi cần được khám và điều trị nếu cần thiết để ngăn ngừa tái nhiễm nấm.

Các dấu hiệu cần nhận biết ở vật nuôi bao gồm:

  • Các mảng da không có lông có hình tròn hoặc có lông nhưng có lông giòn hoặc gãy.
  • Các mảng sần sùi hoặc có vảy.
  • Móng vuốt có màu bất thường, đi tập tễnh.

Ngăn ngừa bị nấm da đầu

  • Các loại nấm ngoài da gây bệnh rất phổ biến và dễ lây lan nên việc phòng ngừa có chút khó khăn. Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm nấm vì vậy bạn cần cho trẻ biết về những yếu tố nguy cơ khi sử dụng chung các đồ dùng cá nhân.
  • Để ngăn ngừa nhiễm trùng và lây nấm bạn và các thành viên trong gia đình phải thường xuyên rửa tay, tắm gội bằng xà phòng và sử dụng các chất tẩy rửa an toàn cho các thói quen vệ sinh bình thường khác.
  • Thường xuyên giặt chăn màn, gối, tránh để quần áo và nội y ở những nơi ẩm ướt.
  • Tạo nếp sống và môi trường sống sạch sẽ, lành mạnh sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ nhiễm nấm.
  • Lược và bàn chải của người bệnh có thể đem đi khử trùng bằng cách ngâm chúng vào các loại nước tẩy. Bạn nên đọc kỹ và làm theo các hướng dẫn sử dụng có trên hộp thuốc tẩy để pha với tỷ lệ thích hợp.
  • Không vuốt ve hoặc sử dụng găng tay khi phải tiếp xúc với động vật nghi nhiễm nấm, kiên trì kiểm tra sức khỏe cho thú cưng và các vật nuôi khác.

Thường xuyên vệ sinh cá nhân là cách ngừa nhiễm nấm tốt nhất

Trên đây là những điều bạn nên quan tâm để giúp bạn và các thành viên trong gia đình có da đầu mạnh khỏe. Nếu mắc bệnh, hãy kiên trì và nghiêm túc làm theo hướng dẫn của bác sĩ để có thể điều trị nấm một cách có hiệu quả nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *