CÁC DẤU HIỆU ĐIỂN HÌNH CỦA BỆNH VIÊM DA

Viêm da có thể xảy ra khi da tiếp xúc với chất lạ gây phản ứng dị ứng hoặc tổn thương da, dấu hiệu bị viêm da ở mỗi người có thể khác nhau tùy theo nguyên nhân. Trong bài viết này, Thuần mộc sẽ cùng bạn tìm hiểu những dạng viêm da thường gặp.

1. Dấu hiệu bị viêm da dễ nhận biết và thường gặp nhất

Nhận biết và phân biệt được các dạng viêm da dưới đây sẽ giúp việc điều trị và phòng ngừa trở nên dễ dàng hơn.

1.1. Viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc xảy ra khi da tiếp xúc với chất dị ứng hoặc chất gây kích ứng da. Cần phân biết 2 nhóm chất này, chất gây kích ứng có thể gây viêm da cho tất cả mọi người hoặc nhiều người, còn chất dị ứng chỉ gây viêm da ở một số người có cơ địa dị ứng. 

Chất gây kích ứng rất đa dạng, ví dụ như ánh nắng mặt trời quá gay gắt đôi khi cũng là tác nhân gây viêm da tiếp xúc. Tùy vào nguyên nhân và cơ địa da mà tình trạng viêm da có thể nhẹ hoặc nặng với dấu hiệu như sau:

Viêm da tiếp xúc nhẹ

Triệu chứng viêm da thường xuất hiện khá chậm gồm: khô da, ngứa da, da tróc vảy,… Tuy nhiên nếu tiếp tục tiếp xúc với tác nhân và không điều trị, tình trạng viêm da sẽ nặng hơn, triệu chứng trở nên nghiêm trọng và vùng da bị ảnh hưởng cũng rộng hơn.

Viêm da tiếp xúc nặng

Triệu chứng viêm da tương tự nhưng ở mức độ nặng hơn da bắt đầu ngứa, sưng, đỏ hơn kèm theo cảm giác châm chích. Tình trạng ngứa khiến nhiều bệnh nhân dùng tay gãi, móng tay vô tình làm tổn thương nghiêm trọng hơn , có thể dẫn đến nhiễm trùng.

1.2. Viêm da chàm đồng tiền

Khác với viêm da tiếp xúc do tác nhân gây kích thích, viêm da chàm đồng tiền thường xuất hiện sau chấn thương bỏng hoặc côn trùng cắn. Một số trường hợp không tìm ra nguyên nhân, nhưng các chuyên gia cho rằng do da tiếp xúc với những chất nhạy cảm gây ra, ví dụ như: chất trám răng, đồng xu, một số loại thuốc điều trị, formaldehyde,…

Dấu hiệu bệnh rất đặc trưng, đầu tiên là sự xuất hiện của đốm đỏ nhỏ, tròn rồi dần lan rộng thành mảng tròn trên da hình như đồng xu. Vào ban đêm, những vùng da chàm này có xu hướng gây ngứa hơn. Sau khi rỉ dịch, tổn thương bắt đầu bong tróc.

Tổn thương ngoài da này nếu tiếp xúc với vi khuẩn có thể xảy ra nhiễm trùng, phía ngoài vùng da chàm thường phủ một lớp vảy màu vàng.

1.3. Viêm da dị ứng

Viêm da dị ứng thường xảy ra ở những người có cơ địa nhạy cảm hoặc xảy ra trong thời gian hệ miễn dịch suy yếu do bệnh lý mãn tính, bệnh gây suy giảm miễn dịch hoặc sử dụng thuốc làm suy giảm miễn dịch. Lúc này, các yếu tố có thể gây viêm da dị ứng bao gồm: chế độ ăn thay đổi, nhiễm khuẩn, thực phẩm chứa chất gây dị ứng, yếu tố di truyền, thay đổi môi trường sống, da khô,…

Viêm da dị ứng xảy ra ở 3 nhóm đối tượng là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người trưởng thành sẽ có dấu hiệu bệnh khác nhau, cụ thể:

Trẻ sơ sinh

Viêm da dị ứng bắt đầu bằng sự xuất hiện nốt hồng ban trên da đầu và mặt, nhiều nhất là hai bên má. Sau đó da có thể khô, bong vảy, ngứa hoặc rỉ dịch. Tình trạng ngứa có thể không thường xuyên, nhưng đôi khi xảy ra vào đêm khiến trẻ ngứa, khó chịu nên quấy khóc, không ngủ được.

Trẻ em

Ở trẻ nhỏ, phát ban da thường xuất hiện đầu tiên ở các vùng da nếp gấp như khuỷu tay, đầu gối, sau đó xuất hiện rộng hơn ở vùng cổ, cổ tay, cổ chân, chân hoặc mông. Ban đầu, vùng da viêm thường trở nên lồi lõm do các vết sần, sưng, đỏ nổi bật trên bề mặt da. Đi kèm với đó là triệu chứng ngứa liên tục, trẻ thường tự đưa tay lên gãi nhiều lần để giảm cơn ngứa.

Người trưởng thành

Người trưởng thành ít xảy ra viêm da dị ứng hơn do hệ miễn dịch cũng như sức khỏe của da thường tốt hơn, tuy nhiên khi mắc bệnh thì vùng viêm da cũng như tình trạng bệnh cũng nghiêm trọng hơn. Những mảng phát ban có thể xuất hiện trên toàn cơ thể, nghiêm trọng hơn ở mặt, sau cổ, đầu gối hoặc vùng da khuỷu tay. 

Da bị viêm dị ứng trở nên khô nứt, xuất hiện vảy nhiều hơn. Tình trạng ngứa đi kèm cũng khiến người bệnh trở nên vô cùng khó chịu.

Như vậy, dấu hiệu bị viêm da ở mỗi đối tượng và do nguyên nhân khác nhau cũng không giống nhau. Bệnh có đặc điểm là không lây, cũng thường không nghiêm trọng đến tính mạng. Tuy nhiên triệu chứng ngoài da gây khó chịu, bất tiện và khiến người bệnh thường ngại tiếp xúc với mọi người.

Cần xác định mình thuộc dạng viêm da nào và phân biệt với các bệnh ngoài da khác để chăm sóc và điều trị hiệu quả hơn.

2. Làm gì khi bị viêm da để cải thiện tình trạng bệnh?

Bệnh viêm da thường thuyên giảm và nhanh chóng biến mất nếu chăm sóc tại nhà đúng cách kết hợp với dùng thuốc hỗ trợ. Dưới đây là những biện pháp chăm sóc khi bị viêm da:

  • Kem bôi da chứa corticosteroid, hydrocortisone hoặc kem tác động đến hệ miễn dịch sẽ giúp cải thiện tình trạng sưng và tấy đỏ. Tình trạng ngứa sẽ suy giảm nếu bôi thuốc kháng histamin hoặc kem calamine. 
  • Quang trị liệu bằng cách cho vùng da bị viêm tiếp xúc với ánh sáng mặt trời tự nhiên (không quá gắt) hoặc ánh sáng nhân tạo. Cách này giúp da tổng hợp được nhiều Vitamin D3 hơn và tình trạng viêm da cũng được cải thiện.
  • Giảm ngứa và viêm da bằng đắp gạc ấm lên vùng da bị tổn thương, bảo vệ chúng khỏi môi trường ô nhiễm bên ngoài. Da được làm dịu nên cảm giác ngứa đau cũng giảm, bệnh nhân sẽ kiềm chế không cào gãi.
  • Mặc quần áo rộng rãi, chất vải mềm để tránh gây kích thích da, đồng thời nên chọn loại xà phòng, chất tẩy rửa nhẹ để giặt quần áo.
  • Dưỡng ẩm cho làn da ngay cả khi bị viêm da hoặc không, nhất là vùng da thường bị khô. Kể cả trong điều trị viêm da, kem dưỡng ẩm cũng là phương pháp điều trị nền tảng.
  • Lựa chọn xà phòng tắm, sữa tắm chứa thành phần dịu nhẹ cho da, không gây kích ứng da.

Nếu các biện pháp chăm sóc tại nhà trên không giúp bạn cải thiện tình trạng bệnh, dấu hiệu bị viêm da vẫn tiếp tục xảy ra và xuất hiện ở nhiều vùng da hơn, nên sớm tới gặp bác sĩ da liễu để được chẩn đoán nguyên nhân và điều trị.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *