TÌM HIỂU KHÁI NIỆM, QUY TRÌNH VÀ KẾT QUẢ CỦA XÉT NGHIỆM DỊ ỨNG DA

Tìm hiểu chung

Xét nghiệm dị ứng da là gì?

Xét nghiệm dị ứng da là phương pháp cho da tiếp xúc chủ động với các chất nghi ngờ gây dị ứng (dị nguyên) và sau đó quan sát các dấu hiệu của phản ứng dị ứng.

Cùng với bệnh sử, các xét nghiệm dị ứng có thể hỗ trợ bác sĩ xác định tìm ra nguyên nhân gây dị ứng. Xét nghiệm cũng sẽ cho biết phản ứng dị ứng của cơ thể với một chất cụ thể nếu da chạm vào, hít thở hoặc nuốt, nếu có.

Khi nào bạn cần thực hiện xét nghiệm dị ứng da?

Kết quả từ các xét nghiệm dị ứng có thể giúp bác sĩ xây dựng kế hoạch điều trị dị ứng bao gồm tránh các tác nhân gây dị ứng, dùng thuốc hoặc tiêm dị ứng (liệu pháp miễn dịch).

Xét nghiệm dị ứng da được sử dụng rộng rãi để chẩn đoán tình trạng dị ứng như:

  • Sốt cỏ khô (viêm mũi dị ứng)
  • Hen suyễn dị ứng
  • Viêm da (chàm)
  • Dị ứng thực phẩm
  • Dị ứng penicillin
  • Dị ứng nọc ong từ vết ong chích

Nhìn chung đây là xét nghiệm an toàn cho người lớn và trẻ em ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, các xét nghiệm về da không được khuyến khích.

Bác sĩ có thể khuyến cáo xét nghiệm dị ứng da nếu người bệnh:

  • Đã từng bị một phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Người bệnh rất nhạy cảm với một số chất nhất định đến mức chỉ một lượng nhỏ được sử dụng trong xét nghiệm da cũng có thể gây ra phản ứng đe dọa đến tính mạng (sốc phản vệ).
  • Sử dụng một số loại thuốc có thể can thiệp vào kết quả xét nghiệm, bao gồm thuốc kháng histamine, thuốc chống trầm cảm và một số loại thuốc trị ợ nóng. Trong các trường hợp này, người bệnh nên tiếp tục dùng thuốc hơn là tạm thời ngừng để chuẩn bị cho xét nghiệm dị ứng da.
  • Mắc một số tình trạng da liễu nhất định, chẳng hạn như bệnh chàm hoặc bệnh vẩy nến (mức độ nặng) ảnh hưởng đến các vùng da lớn trên cánh tay và lưng. Đây là các vị trí thường dùng để xét nghiệm dị ứng da. Các bệnh da liễu khiến vùng da thực hiện xét nghiệm không đảm bảo “chất lượng”, dễ làm sai lệch kết quả.

Các xét nghiệm máu (như xét nghiệm dị ứng) sẽ là sự lựa chọn tốt hơn cho những người không nên hoặc không thể thực hiện các xét nghiệm ở da. Tuy nhiên, loại xét nghiệm này không chỉ định cho người dị ứng penicillin.

Nhìn chung, xét nghiệm dị ứng da cho kết quả đáng tin cậy khi chẩn đoán dị ứng với các chất trong không khí chẳng hạn như phấn hoa, lông thú cưng và mạt bụi. Xét nghiệm cũng có thể giúp chẩn đoán dị ứng thực phẩm nhưng vì dị ứng thực phẩm thường phức tạp hơn nên người bệnh sẽ cần thêm nhiều loại hình xét nghiệm khác.

Điều cần thận trọng

Xét nghiệm dị ứng da có nguy hiểm không?

Tác dụng phụ phổ biến nhất của xét nghiệm dị ứng da là sưng nhẹ, đỏ, nổi các đốt ngứa như mề đay. Ở một số người thì tình trạng sưng, đỏ và ngứa có thể xuất hiện một vài giờ sau khi xét nghiệm và kéo dài trong vài ngày.

Trong những trường hợp hiếm hơn, xét nghiệm này có thể gây ra phản ứng dị ứng tại chỗ nghiêm trọng. Do đó, người bệnh phải thực hiện các xét nghiệm dị ứng da tại phòng khám để có thể cấp cứu ngay khi có diễn biến xấu.

Quy trình thực hiện

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Trước khi thực hiện

Trước khi chỉ định xét nghiệm dị ứng da, bác sĩ sẽ đặt các câu chi tiết về bệnh sử, các dấu hiệu và triệu chứng cũng như cách điều trị thông thường người bệnh dùng để đối phó. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể thực hiện kiểm tra thể chất để tìm kiếm thêm manh mối về nguyên nhân gây ra các triệu chứng ở người bệnh.

Vì thuốc có thể can thiệp vào kết quả xét nghiệm, người bệnh nên chuẩn bị cho bác sĩ một danh sách đầy đủ các loại thuốc đang dùng (cả kê đơn và không kê đơn). Một số loại thuốc có thể ngăn chặn các phản ứng dị ứng, ngăn cản xét nghiệm cho kết quả chính xác. Các loại thuốc khác có thể làm tăng nguy cơ xảy ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng trong quá trình thực hiện.

Vì mỗi loại thuốc có thời gian đào thải khỏi cơ thể khác nhau, bác sĩ có thể yêu cầu ngừng dùng một số loại trong tối đa 10 ngày.

Các loại thuốc ảnh hưởng đến kết quả của xét nghiệm dị ứng da bao gồm:

  • Thuốc kháng histamine kê đơn như hydroxyzine
  • Thuốc kháng histamine không kê đơn như loratadine, diphenhydramine, chlorpheniramine, cetirizine và fexofenadine
  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng, chẳng hạn như nortriptyline và desipramine
  • Một số loại thuốc trị ợ nóng như cimetidine và ranitidine
  • Thuốc hen suyễn omalizumab. Thuốc này có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm trong 6 tháng hoặc lâu hơn ngay cả sau khi ngưng sử dụng. Trong khi đó, hầu hết các loại thuốc chỉ ảnh hưởng đến kết quả trong vài ngày đến vài tuần.

Trong khi thực hiện

Xét nghiệm lẩy da (test chích da)

Loại xét nghiệm dị ứng da này kiểm tra các phản ứng dị ứng ngay tại chỗ với 50 chất khác nhau cùng một lúc. Xét nghiệm thường được thực hiện để xác định dị ứng với phấn hoa, nấm mốc, vẩy da hay lông thú cưng, mạt bụi và thức ăn. Ở người lớn, xét nghiệm được thực hiện trên cẳng tay còn ở trẻ em là lưng trên.

Loại xét nghiệm này không gây đau vì sử dụng kim lancet trên bề mặt da. Người bệnh sẽ không bị chảy máu hay quá khó chịu.

Sau khi làm sạch vị trí xét nghiệm bằng cồn, kỹ thuật viên vẽ một bảng nhỏ trên da người bệnh và bôi một giọt chiết xuất chất gây dị ứng vào từng ô có đánh số. Kỹ thuật viên tiếp tục sử dụng kim lancet để chích các chất chiết xuất vào bề mặt da. Mỗi chất dị nguyên, kỹ thuật viên sẽ dùng riêng một kim lancet mới.

Để quan sát da có phản ứng bình thường hay không, kỹ thuật viên có thể thêm hai chất bổ sung sau vào bề mặt da người bệnh:

  • Histamine. Đối với hầu hết mọi người, chất này gây ra phản ứng trên da. Nếu người bệnh không phản ứng với histamine, xét nghiệm có thể không thành công (không cho kết quả rõ ràng).
  • Glycerin hoặc nước muối. Những chất này hầu như không gây ra bất kỳ phản ứng nào. Nếu người bệnh có phản ứng với glycerin hoặc nước muối thì thuộc diện da nhạy cảm. Khi đó, bác sĩ sẽ nghiên cứu kết quả xét nghiệm thận trọng hơn để tránh chẩn đoán dị ứng sai.

Khoảng 15 phút sau khi lẩy da, da sẽ có dấu hiệu dị ứng. Nếu bị dị ứng với một trong những chất được thử nghiệm, da sẽ xuất hiện vết sưng (đỏ, ngứa) nổi lên trông giống như vết muỗi đốt.

Lúc này, kỹ thuật viên đo kích thước của vết sưng và ghi lại kết quả. Cuối cùng, kỹ thuật viên làm sạch da người bệnh bằng cồn.

Xét nghiệm tiêm da

Người bệnh có thể cần thực hiện xét nghiệm dị ứng da bằng cách dùng kim để tiêm một lượng nhỏ chiết xuất dị nguyên vào da trên cánh tay. Vị trí tiêm được kiểm tra sau khoảng 15 phút. Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm này để kiểm tra dị ứng với nọc độc của côn trùng (dị ứng do côn trùng đốt) hoặc penicillin.

Xét nghiệm áp bì (patch test)

Xét nghiệm áp bì nhằm đánh giá một chất cụ thể có gây viêm da dị ứng (viêm da tiếp xúc) hay không. Các xét nghiệm áp bì có thể phát hiện những phản ứng dị ứng chậm hơn vốn mất vài ngày để xuất hiện.

Loại xét nghiệm này không sử dụng kim. Thay vào đó, dị nguyên được chế sẵn vào các miếng dán, sau đó được đặt lên da người bệnh. Trong một lần thực hiện, da của người bệnh có thể tiếp xúc với 20-30 chất. Chúng có thể bao gồm latex, thuốc, nước hoa, chất bảo quản, thuốc nhuộm tóc, kim loại và nhựa.

Người bệnh sẽ dán các miếng dán này trên cánh tay hoặc lưng trong 48 giờ. Trong thời gian này, người bệnh cần tránh tắm và các hoạt động gây đổ mồ hôi nhiều.

Sau khi thực hiện

Xét nghiệm dị ứng da thường được thực hiện tại bệnh viện hoặc phòng khám. Thông thường, một xét nghiệm mất khoảng 20-40 phút.

Một số xét nghiệm có thể phát hiện các phản ứng dị ứng ngay lập tức trong vòng vài phút tiếp xúc với dị nguyên. Những loại xét nghiệm khác chậm hơn và cần khoảng vài ngày.

Kết quả của xét nghiệm

Kết quả của xét nghiệm dị ứng da là gì?

Xét nghiệm dị ứng da cho kết quả dương tính nghĩa là người bệnh có thể bị dị ứng với một chất cụ thể. Các vết mề đay lớn hơn thường cho thấy mức độ nhạy cảm của da nhiều hơn.

Xét nghiệm cho kết quả âm tính nghĩa là người bệnh có thể không dị ứng với một chất gây dị ứng cụ thể (trong phạm vi xét nghiệm).

Cần chú ý rằng xét nghiệm về dị ứng thường không phải lúc nào cũng chính xác. Một số trường hợp có thể bị dương tính giả (không dị ứng nhưng cho kết quả dương tính) hoặc âm tính giả (người bệnh không có phản ứng dị ứng trong xét nghiệm nhưng lại dị ứng trong đời sống hằng ngày).

Cùng một phương pháp xét nghiệm nhưng thực hiện ở nhiều thời điểm thì vẫn có thể có các phản ứng khác nhau. Đôi khi, người bệnh còn có phản ứng với một chất trong xét nghiệm nhưng khi tiếp xúc chất này ở môi trường bên ngoài thì lại không dị ứng.

Phác đồ điều trị dị ứng có thể bao gồm dùng thuốc, liệu pháp miễn dịch, thay đổi môi trường làm việc, nhà ở hoặc thay đổi chế độ ăn uống. Với kết quả xét nghiệm xác định các dị nguyên cùng việc lên kế hoạch điều trị, người bệnh có thể kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến dị ứng.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *