MỐI LIÊN HỆ MẬT THIẾT GIỮA TAI – MŨI – HỌNG

Cấu tạo Tai – Mũi – Họng là các hốc thông với nhau và thông với bên ngoài do đó bệnh lý của tai mũi họng không phải là bệnh riêng từng bộ phận mà có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến các bộ phận khác. Khi bị viêm họng sẽ gây nên viêm mũi, viêm thanh quản vì họng – mũi – thanh quản thông với nhau; viêm họng – mũi lại thường là nguyên nhân gây viêm xoang.

1. Tai mũi họng liên quan nhau như thế nào?

Tai – mũi – họng thông với nhau như các xoang thông với mũi, mũi họng thông với tai, xương chũm qua vòi nhĩ. Lớp niêm mạc ở đây được chi phối bởi hệ thống mạch máu và thần kinh rất phong phú. Do đặc điểm như vậy nên bệnh lý Tai Mũi Họng chủ yếu là bệnh lý của niêm mạc, bệnh lý niêm mạc là dễ bị tái phát nhất là ở cơ địa dị ứng, trẻ em…

  • Các hốc Tai Mũi Họng thông với nhau nên khi bị thương dễ nhiễm khuẩn lan từ hốc này sang hốc khác: Xoang trán dễ bị viêm khi bị viêm mũi. Mặt khác vết thương xoang trán là vết thương kín và dễ chứa dị vật như đạn, đá, đất…
  • Vị trí Tai Mũi Họng gần các cơ quan quan trọng: Màng não, não, mê đạo, các dây thần kinh, mạch máu lớn.

2. Đặc điểm bệnh lý ở tai mũi họng

Bệnh lý của tai mũi họng không phải là bệnh riêng từng bộ phận

Do Cấu tạo tai mũi họng là các hốc thông với nhau và thông với bên ngoài do đó bệnh lý của tai mũi họng không phải là bệnh riêng từng bộ phận mà có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến các bộ phận khác. Khi bị viêm họng sẽ gây nên viêm mũi, viêm thanh quản vì họng – mũi – thanh quản thông với nhau; viêm họng – mũi lại thường là nguyên nhân gây viêm xoang.

Ngoài ra, do tai mũi họng thông với môi trường bên ngoài nên các bệnh về tai mũi họng chủ yếu liên quan đến môi trường với 2 yếu tố cơ bản là: nhiễm khuẩn và dị ứng. Ngoài ra, yếu tố khác như nhiệt độ, thời tiết cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành bệnh lý. Bệnh lý của tai mũi họng vừa có thể ảnh hưởng đến các bộ phận, cơ quan khác mà rõ rệt nhất là của bộ máy hô hấp và tiêu hóa.

Do đó, khi sử dụng thuốc trong tai mũi họng, những phản ứng, hậu quả do thuốc gây ra có thể nguy hiểm tức thời đến tính mạng, đến sinh hoạt và cuộc sống. Thuốc dùng trong tai mũi họng không chỉ tác động đến tai mũi họng mà có thể tác động đến toàn thân và nhiều bộ phận, cơ quan khác.

3. Liên quan bệnh lý Tai Mũi Họng với các cơ quan khác

Thương tổn ở tai có thể ảnh hưởng đến thần kinh trung ương

Tai là cửa ngõ của hệ thống nghe và thăng bằng. Mũi là nối ra vào của đường hô hấp. Họng là cửa ngõ của đường ăn, đường thở. Thương tổn ở tai có thể ảnh hưởng đến thần kinh trung ương, thương tổn ở mũi có thể ảnh hưởng đến hô hấp, thương tổn ở họng có thể ảnh hưởng đến tiêu hoá. Ngược lại, những bệnh lý ở thần kinh trung ương, ở đường hô hấp, ở đường tiêu hóa đều có thể gây ra đến tai, đến mũi, đến họng.

3.1 Nội khoa

Tai mũi họng có rất nhiều quan hệ qua lại mật thiết với nội khoa như:

  • Chảy máu mũi, giãn tĩnh mạch đáy lưỡi, viêm xoang… bệnh Rendu – Osler với những u mạch máu ở niêm mạc mũi và họng cũng hay làm cho bệnh nhân khạc ra máu.
  • Dị ứng thường khu trú ở mũi và xoang gây ra viêm mũi, viêm xoang dị ứng. Một bệnh tích cục bộ của mũi có thể tạo điều kiện thuận lợi cho dị ứng xuất hiện ở cơ thể có bệnh dị ứng tiềm tàng. Thí dụ gai vách ngăn có thể làm cho viêm mũi dị ứng, hen. Mổ vách ngăn sẽ làm cho những biểu hiện lâm sàng của dị ứng giảm hoặc mất đi.
  • Nhức đầu là một triệu chứng rất phổ biến và có liên quan đến nhiều chuyên khoa: Nội, ngoại, mắt, răng hàm mặt, thần kinh, nhiễm…. Nhưng nguyên nhân thường hay gặp nhất nằm trong lĩnh vực tai mũi họng: Viêm xoang. Bệnh viêm xoang dễ hay bị bỏ sót vì có những thể lâm sàng không điển hình: bệnh nhân đến với một triệu chứng nhức đầu phải hỏi thêm kỹ họ mới nhớ lại rằng trước họ có đờm vướng họng hay khạc.

3.2 Ngoại khoa

  • Chuyên khoa TMH giải quyết những bệnh ngoại khoa ở vùng cổ mặt như là ung thư thanh quản, ung thư hạ họng, ung thư sàng hàm, dò (rò) giáp lưỡi, dò (rò) khe mang, u thành bên họng, u cổ, bướu tuyến giáp, chấn thương cổ mặt…
  • Chuyên khoa TMH giúp phẫu thuật lồng ngực trong việc chẩn đoán bệnh ở phế quản và soi hút đờm nhớt trong phế quản.

3.3 Khoa Răng – Hàm – Mặt

Răng hàm và mặt là láng giềng của Tai, Mũi Họng nên chúng có liên quan mật thiết với nhau:

  • Sâu răng: Có thể gây ra viêm xoang hàm. Ngược lại viêm xoang cũng có thể làm cho bệnh nhân nhức răng, tuy rằng răng không bị sâu.
  • U nang chân răng và u nang răng sinh: Ở xương hàm trên có thể xâm nhập vào xoang hàm, gây bệnh cảnh viêm xoang.
  • Đau dây thần kinh tam thoa do viêm xoang có thể làm cho người ta nghĩ rằng đau do răng và muốn nhổ răng.
  • Răng mọc lạc chỗ ở mũi, ở xoang có thể gây trở ngại cho một vài thủ thuật TMH như chọc xoang hàm, mổ vách ngăn….

3.4 Khoa Mắt

Mắt bị các xoang mặt bao vây ba phía: Phía dưới, phía trong và phía trên, do đó mắt rất dễ bị ảnh hưởng bởi bệnh của các xoang.

  • Viêm thần kinh thị giác hậu nhãn cầu: Viêm xoang thường hay làm giảm thị lực (mờ mắt). Nếu không điều trị kịp thời mắt có thể bị mù nhưng soi đáy mắt không cho thấy gì lạ. Thương tổn chính là ở dây thần kinh số II đoạn sau nhãn cầu.
  • U nhầy xoang trán và xoang sàng: U này thường xuất hiện ở góc trong và trên ổ mắt và đẩy lồi nhãn cầu ra phía trước, ngoài và dưới làm cho người ta tưởng là bệnh lý của mắt.
  • Viêm ổ mắt và bộ phận phụ: Viêm xoang có thể gây ra viêm tấy ổ mắt và dẫn đến viêm tắc tĩnh mạch xoang hang (sưng mí mắt phù nề kết mạc, giãn tĩnh mạch trán kiểu vòi bạch tuộc, mất thị lực, lồi nhãn cầu, mất vận động nhãn cầu), viêm màng não và tử vong.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *