SẸO LỒI LÀ GÌ VÀ CÁCH HẠN CHẾ SẸO LỒI

Tai nạn, phẫu thuật để lại cho bạn những vết sẹo xấu xí trên da? Những vết sẹo đó còn tồi tệ hơn nữa khi lan rộng ra vùng da xung quanh và để lại một mảng lớn gọi là sẹo lồi.

Có một điều ít ai biết đến đó là người châu Á và châu Phi có nguy cơ bị sẹo lồi cao hơn so với cư dân ở những châu lục khác. Chúng có kích thước to, thường gây chú ý nên đã trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều người. Thuần mộc sẽ bật mí cho bạn cách đối phó với tình trạng sẹo lồi qua bài viết dưới đây.

Sẹo lồi là gì?

Sẹo lồi là một loại sẹo phát triển lớn hơn và rộng hơn so với vết thương ban đầu. Chúng là kết quả của sự phát triển quá mức các mô sợi dày đặc sau khi vết thương đã lành. Loại sẹo này thường xuất hiện ở cánh tay, vùng trước ngực, vai và lưng. Chúng phát triển ra khỏi vùng da bị tổn thương ban đầu và hình thành những nốt đỏ, ngày càng to lên.

Loại sẹo này không gây ung thư nhưng bạn vẫn nên áp dụng những cách trị sẹo lồi để hạn chế cảm giác khó chịu và đau đớn do chúng gây ra.

Nguyên nhân gây sẹo lồi

Sẹo lồi hình thành trên các vùng da bị tổn thương do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các mô dày đặc phát triển và lan ra khỏi vùng tổn thương, hình thành sẹo lớn hơn vết thương ban đầu. Với những người cơ địa dễ bị sẹo, kể cả một vết xước nhỏ cũng có thể dẫn đến sẹo lồi.

Dạng sẹo này có thể di truyền trong gia đình và thường gặp ở những người có nước tối màu hơn so với nước da sáng màu. Nhiều nghiên cứu cho rằng, sẹo lồi có mối liên hệ với những gen mang sắc tố da sẫm màu.

Các triệu chứng của sẹo lồi

Các triệu chứng của sẹo lồi bao gồm:

  • Vùng da bị thương trở nên sưng đỏ
  • Các mô sẹo tiếp tục phát triển, lan rộng ra trên vùng da bị tổn thương
  • Cảm giác ngứa ngáy, khó chịu

Sẹo lồi có khuynh hướng phát triển lớn hơn phạm vi vết thương ban đầu. Chúng mất khoảng vài tuần đến vài tháng để phát triển rộng ra.

Dạng sẹo này có thể gây ngứa, nhưng không gây hại đến sức khỏe. Chúng có thể khiến bạn cảm thấy không thoải mái, đau rát khi mặc quần áo hoặc khi có ma sát. Vài trường hợp hiếm, bạn có thể bị sẹo lồi trên khắp cơ thể. Khi đó, các mô sẹo cứng và sần sùi sẽ khiến bạn gặp khó khăn trong việc di chuyển, vận động.

Cách trị sẹo lồi

Sẹo lồi được xem là mối bận tâm về thẩm mỹ nhiều hơn về sức khỏe. Bạn có thể sẽ cảm thấy tự ti nếu vết sẹo của mình lớn và ở các vị trí dễ nhìn thấy như dái tai hoặc trên mặt hay đùi, đầu gối.

Sẹo sẽ ngày càng sậm màu hơn và trở lên nổi bật khi da bạn tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Do đó, bạn cần che chắn làn da cẩn thận trước khi ra nắng để ngăn ngừa tình trạng thâm sẹo nhé!

Không có một liệu pháp nào đảm bảo khỏi hoàn toàn cho việc điều trị dạng sẹo này. Tuy nhiên, những phương pháp điều trị sẽ phần nào giúp cải thiện được hình dáng và cảm giác khó chịu. Bạn cần lưu ý rằng có nhiều trường hợp sẹo phát triển trở lại sau khi được điều trị.

Bác sĩ thường sử dụng nhiều liệu pháp trong quá trình điều trị. Dựa vào kích thước, vị trí của sẹo, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp sau:

  • Liệu pháp làm lạnh thích hợp với các vết sẹo nhỏ do mụn. Ngoài ra, nó còn giúp làm sáng da;
  • Tiêm thuốc. Corticosteroid thường được dùng để tiêm trực tiếp vào vết sẹo. Thuốc có công dụng tốt khi dùng chung với liệu pháp làm lạnh hoặc ngay sau phẫu thuật. Các loại dược phẩm khác giúp cải thiện sẹo lồi bao gồm verapamil, fluorouracil, bleomycin…
  • Cắt bỏ sẹo. Phẫu thuật cắt bỏ sẹo thường được áp dụng cho trường hợp sẹo lồi có kích thước lớn. Tuy nhiên, phương pháp này dễ có nguy cơ tạo thành sẹo mới. Chính vì vậy, bạn cần chăm sóc vùng da sau phẫu thuật cẩn thận theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
  • Liệu pháp xạ trị. Sử dụng tia bức xạ cũng được xem là cách hiệu quả để điều trị. Tuy nhiên, tia bức xạ có thể gây ra ung thư nếu quá trình áp dụng có sơ suất.

Cách hạn chế sẹo lồi

Nếu có nguy cơ mắc phải loại sẹo này, tốt nhất bạn nên tránh để cơ thể bị thương, xăm mình cũng như tiến hành bất kỳ phẫu thuật nào không cần thiết. Sẹo lồi có thể phát triển sau mỗi tổn thương kể trên.

Để ngăn ngừa sẹo sau những tổn thương ở da, bạn cần biết cách chăm sóc vết thương đúng cách. Điều này giúp chữa lành vết thương và giảm nguy cơ hình thành sẹo. Bạn nên sử dụng các biện pháp sau để chữa trị vết thương và ngăn chặn sự phát triển của sẹo lồi:

  • Băng bó vết thương mới với một lớp sáp dưỡng ẩm và băng không dính da. Giữ chặt băng để tạo một áp lực nhỏ lên vết thương. Vệ sinh sạch sẽ khu vực tổn thương.
  • Sau khi vết thương hồi phục, bạn nên sử dụng băng gel silicone. Điều này giúp ngăn ngừa sự phát triển của sẹo lồi. Băng trên da suốt từ 12–24 giờ mỗi ngày, trong vòng 2–3 tháng vì sẹo lồi mất khoảng gần 3 tháng để phát triển.
  • Sau khi xỏ khuyên tai (nếu có), bạn nên sử dụng các loại bông tai chuyên dụng, tạo áp lực để tránh sẹo lồi hình thành.

Những vết sẹo hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau cần một công thức tối ưu để có thể cải thiện hình dạng và màu sắc. Tất cả những gì bạn cần là sự kiên trì và một kế hoạch điều trị khoa học. Hầu hết tình trạng các vết sẹo sẽ được cải thiện trong vòng 8 tuần.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *