NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH CROHN

Định nghĩa

Bệnh Crohn (viêm ruột từng vùng) là bệnh gì?

Bệnh Crohn hay còn được gọi là viêm ruột từng vùng, là tình trạng viêm mãn tính ở đường ruột. Bệnh Crohn thường ảnh hưởng ở cả ruột non, ruột già, thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa từ miệng đến ruột kết.

Những ai thường mắc phải bệnh Crohn (viêm ruột từng vùng)?

Bệnh Crohn có thể xảy ra ở bất kỳ ai không kể giới tính, độ tuổi, kể cả trẻ em. Tuy nhiên, hầu hết các ca mắc bệnh đều nằm trong các đối tượng có độ tuổi khoảng từ 16 – 30 và 60 – 80. Bệnh ảnh hưởng đến nữ giới nhiều hơn nam giới. Tuy nhiên, ở trẻ em, các bé trai chiếm phần lớn số ca mắc bệnh.

Triệu chứng và dấu hiệu

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Crohn là gì?

Cũng như các triệu chứng của các bệnh viêm đường ruột khác, các dấu hiệu của bệnh Crohn là:

  • Chán ăn và sụt cân
  • Tiêu chảy
  • Đau bụng dưới
  • Viêm loét đường ruột
  • Có máu trong phân

Ngoài ra, người bệnh còn có thể có các triệu chứng khác như:

  • Sốt
  • Mệt mỏi
  • Viêm ở khớp, da hoặc mắt
  • Viêm gan hoặc viêm ống dẫn mật
  • Rối loạn kinh nguyệt
  • Đổ mồ hôi vào ban đêm

Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Hãy đi khám và báo với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào của bệnh Crohn, đặc biệt là:

  • Đau bụng
  • Có máu trong phân
  • Tiêu chảy kéo dài không tự khỏi trong 3 ngày
  • Sốt kéo dài hơn một hoặc hai ngày không rõ nguyên nhân

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra bệnh Crohn là gì?

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh viêm ruột từng vùng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tin rằng bệnh viêm ruột từng vùng có mối liên hệ với các yếu tố sau:

  • Chế độ dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn và kém vệ sinh có thể tạo điều kiện cho bệnh Crohn phát triển.
  • Hệ miễn dịch: Nếu hệ miễn dịch suy yếu, virus hoặc vi khuẩn sẽ có cơ hội tấn công đường ruột.
  • Gene di truyền: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nguy cơ mắc bệnh Crohn sẽ tăng cao nếu người thân trong gia đình bạn đã bị tình trạng này.

Nguy cơ mắc bệnh

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Crohn (viêm ruột từng vùng) là gì?

Nguy cơ mắc bệnh Crohn có thể gia tăng nếu bạn:

  • Hút thuốc lá
  • Nghiện rượu bia
  • Không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
  • Sống ở vùng có nguồn nước bị ô nhiễm
  • Có người thân trong gia đình đã từng bị bệnh Crohn.

Điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh Crohn (viêm ruột từng vùng)?

Hiện nay không có phương pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn bệnh Crohn. Bác sĩ có thể đưa ra các biện pháp nhằm làm giảm các triệu chứng, kiểm soát tình trạng viêm và ngăn ngừa biến chứng. Các biện pháp này có thể bao gồm sử dụng thuốc, phẫu thuật và duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh.

Nếu chỉ bị tiêu chảy nhẹ, bạn có thể bổ sung nước và dung dịch oresol cùng chế độ dinh dưỡng phù hợp để tránh mất nước và suy dinh dưỡng.

Nếu bị tiêu chảy nghiêm trọng và không khỏi sau 3 ngày, bạn có thể được chỉ định dùng thuốc kháng viêm như corticosteroid, thuốc ức chế miễn dịch như azathioprine và mercaptopurine, thuốc kháng sinh như ciprofloxacin và metronidazole.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định và hướng dẫn bạn sử dụng viên uống bổ sung vitamin, thuốc bổ sung canxi, sắt, vitamin D. Bạn có thể phải dùng thuốc giảm đau nếu xuất hiện cơn đau nghiêm trọng.

Nếu việc sử dụng thuốc và chế độ dinh dưỡng lành mạnh không thể giúp bạn kiểm soát bệnh Crohn, bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện phẫu thuật. Sau phẫu thuật, bệnh nhân vẫn cần dùng thuốc để giảm nguy cơ tái phát bệnh.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh Crohn (viêm ruột từng vùng)?

Để chẩn đoán bệnh Crohn, bác sĩ có thể thực hiện các phương pháp sau:

  • Thử máu hoặc thử phân: Thử máu hoặc thử phân có thể giúp bác sĩ tìm ra các dấu hiệu nhiễm trùng.
  • Thủ thuật: nội soi đại tràng, nội soi đại tràng sigma, chụp CT, chụp MRI (cộng hưởng từ).

Các phương pháp trên sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác liệu bạn có mắc bệnh Crohn hay không, từ đó có thể đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

Những thói quen sinh hoạt nào giúp hạn chế diễn tiến của bệnh?

Để kiểm soát tốt bệnh Crohn, bạn cần duy trì những thói quen sinh hoạt sau:

  • Thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp và lành mạnh.
  • Luôn vận động và tập luyện thể thao.
  • Dùng thuốc và tái khám theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *