HIỆN TƯỢNG KHÓ NUỐT Ở CỔ HỌNG DO TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN

Chứng khó nuốt là thuật ngữ y khoa chỉ sự khó khăn khi thực hiện hành động nuốt. Một trong số những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hiện tượng khó nuốt ở cổ họng là trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

Tần suất xảy ra tình trạng này sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh trào ngược và cách điều trị mà bạn đang áp dụng.

Mối liên hệ của hiện tượng khó nuốt ở cổ họng và GERD

Trào ngược dạ dày thực quản mãn tính sẽ khiến cổ họng bị kích thích. Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh sẽ dẫn dến chứng khó nuốt. Mô sẹo phát triển trong thực quản, gây ra tình trạng hẹp thực quản.

Bên cạnh đó, hiện tượng khó nuốt ở cổ họng có thể là hậu quả của tổn thương mô thực quản. GERD không được điều trị sẽ dẫn đến Barrett thực quản. Đây là tình trạng lớp niêm mạc thực quản bị biến đổi gần giống với lớp lót ở ruột.

Triệu chứng của hiện tượng khó nuốt ở cổ họng

Biểu hiện của chứng khó nuốt sẽ khác nhau tùy theo từng đối tượng. Có người cảm thấy khó khăn khi nuốt thức ăn đặc nhưng vẫn nuốt chất lỏng một cách dễ dàng. Ngược lại, một số người thấy khó nuốt chất lỏng nhưng lại ăn thức ăn rắn mà không gặp vấn đề gì. Trong một số trường hợp, người bệnh thấy khó nuốt đối với mọi loại thức ăn và chất lỏng, thậm chí là cả nước bọt của họ.

Ngoài ra, hiện tượng khó nuốt ở cổ họng cũng gây ra các triệu chứng khác, bao gồm:

  • Cảm thấy đau khi nuốt
  • Đau họng
  • Nghẹt thở
  • Ho
  • Ợ lại thức ăn hoặc axit dạ dày
  • Có cảm giác thức ăn bị kẹt ở sau xương ức
  • Cảm thấy nóng rát phía sau xương ức (một dấu hiệu thường gặp của chứng ợ nóng)
  • Khàn tiếng

Các triệu chứng này thường xuất hiện khi bạn ăn các loại thực phẩm là tác nhân phổ biến gây trào ngược axit, chẳng hạn như:

  • Các sản phẩm chế biến từ cà chua
  • Cam, quýt hoặc nước ép cam, quýt
  • Các món ăn chứa nhiều chất béo hoặc đồ chiên
  • Rượu
  • Các loại đồ uống có cồn
  • Sô-cô-la
  • Bạc hà

Điều trị hiện tượng khó nuốt ở cổ họng do trào ngược dạ dày thực quản

Tình trạng khó nuốt do trào ngược dạ dày thực quản có thể được điều trị bằng các phương pháp sau:

Điều trị bằng thuốc

Thuốc là một trong những lựa chọn điều trị đầu tiên cho chứng khó nuốt do trào ngược dạ dày thực quản. Thuốc ức chế bơm proton có tác dụng làm giảm axit dạ dày và các triệu chứng của GERD. Loại thuốc này cũng giúp cải thiện tình trạng tổn thương thực quản do trào ngược.

Các loại thuốc ức chế bơm proton bao gồm:

  • Esomeprazole
  • Lansoprazole
  • Omeprazole (Prilosec)
  • Pantoprazole
  • Rabeprazole

Thuốc ức chế bơm proton thường được uống mỗi ngày 1 lần. Các loại thuốc điều trị GERD khác, chẳng hạn như thuốc chẹn H2 cũng có thể làm giảm các triệu chứng của tình trạng trào ngược. Tuy nhiên, chúng lại không có tác dụng thực sự trong việc điều trị các tổn thương tại thực quản.

Thay đổi lối sống

Một lối sống lành mạnh có thể hữu ích trong điều trị hiện tượng khó nuốt ở cổ họng. Điều quan trọng nhất là bạn nên tránh sử dụng các loại đồ uống có cồn và các sản phẩm chứa nicotine. Thuốc lá và rượu có thể khiến đoạn thực quản tổn thương tiếp tục bị kích thích và làm gia tăng tình trạng ợ nóng. Để bỏ rượu và thuốc lá một cách hiệu quả, bạn có thể hỏi bác sĩ hoặc liên hệ các nhóm hỗ trợ để được giúp đỡ.

Bạn nên ăn nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày thay vì ăn 3 bữa ăn lớn. Hiện tượng khó nuốt ở mức độ trung bình và nặng khiến bạn phải ăn các loại thức ăn mềm, loãng. Bạn cũng nên hạn chế sử dụng các loại thức ăn có độ kết dính cao như mứt và bơ đậu phộng. Đồng thời, thức ăn cũng cần được cắt nhỏ để việc nuốt trở nên dễ dàng hơn.

Bạn cần thảo luận về nhu cầu dinh dưỡng của mình với bác sĩ. Khó nuốt có thể gây ảnh hưởng đến vấn đề cân nặng. Do đó, bạn cần bổ sung thêm các loại vitamin và khoáng chất để luôn duy trì sức khỏe ổn định.

Phẫu thuật

Phương pháp phẫu thuật sẽ được áp dụng cho những bệnh nhân bị trào ngược nặng, không đáp ứng với thuốc điều trị và thay đổi lối sống. Một số thủ tục phẫu thuật được sử dụng để điều trị GERD, Barrett thực quản và hẹp thực quản cũng có thể làm giảm hoặc loại bỏ tình trạng khó nuốt. Chúng bao gồm:

  • Fundoplication: Trong thủ tục này, phần trên dạ dày sẽ được quấn quanh cơ vòng thực quản dưới (LES). Điều này giúp cơ vòng thực quản dưới được thắt chặt và củng cố, ngăn axit trào ngược vào cổ họng.
  • Nội soi: Thủ tục nội soi có thể giúp tăng cường LES và ngăn ngừa tình trạng trào ngược axit. Hệ thống Stretta sẽ tạo mô sẹo trong LES thông qua một loạt các vết bỏng nhỏ. Sau đó, các thủ tục NDO Plicator và EndoCinch sẽ củng cố LES bằng các mũi khâu.
  • Nong thực quản: Đây là phương pháp điều trị phẫu thuật phổ biến cho hiện tượng khó nuốt ở cổ họng. Trong thủ tục này, một quả bóng nhỏ sẽ được gắn vào ống nội soi và đưa vào thực quản để điều trị hẹp thực quản.
  • Cắt bỏ một phần thực quản: Thủ thuật này sẽ loại bỏ một phần thực quản bị tổn thương nghiêm trọng hoặc các khu vực đã bị ung thư do Barrett thực quản. Phẫu thuật sẽ giúp hàn gắn các phần thực quản còn lại vào dạ dày.

Hiện tượng khó nuốt ở cổ họng có thể khiến nhiều người lo lắng nhưng nó không phải là một vấn đề mãn tính. Bạn nên đến thăm khám tại bác sĩ chuyên khoa nếu gặp phải hiện tượng này hoặc các triệu chứng của bệnh GERD.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *