12 TRIỆU CHỨNG HEN SUYỄN ĐE DỌA TỚI TÍNH MẠNG BẠN CẦN BIẾT

Triệu chứng hen suyễn không đơn thuần chỉ là ho khan, khó thở, nặng ngực,… mà bạn còn có thể gặp phải các biểu hiện khác nguy hiểm hơn. Liệu bạn đã biết hết về những triệu chứng này để phát hiện bệnh sớm chưa?

Các triệu chứng biểu hiện có thể nhẹ hoặc nặng tùy theo dạng bệnh mắc phải và thể trạng của từng bệnh nhân. Một số người dù bị hen suyễn nhưng không biểu hiện thành triệu chứng nào rõ rệt. Ngược lại, một số khác gặp phải các biểu hiện của hen suyễn mỗi ngày, thường là vào ban đêm hoặc sau khi tập thể dục.

Không chỉ các dấu hiệu bệnh suyễn thông thường, bạn còn có thể gặp phải một số biểu hiện khác của bệnh nguy hiểm hơn. Trong bài viết này, mời bạn cùng Thuanmoc.vn tìm hiểu 12 triệu chứng của hen suyễn nguy hiểm để giúp phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời!

1. Ho khan là triệu chứng hen suyễn điển hình

Tình trạng ho khan (ho không có đàm) vào buổi tối đôi khi là triệu chứng hen suyễn duy nhất mà bạn gặp phải. Tình trạng này được gọi là hen phế quản dạng ho (CVA) và có thể chiếm tới 1/3 tổng số các ca ho mãn tính. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do bọ chét, bụi, lông của vật nuôi hoặc không khí lạnh. Khi xuất hiện dấu hiệu bị hen suyễn này, bạn có thể cần được điều trị bằng thuốc giãn phế quản cấp tốc và thuốc kiểm soát bệnh mãn tính.

2. Thở khò khè

Tình trạng thở khò khè dưới dạng một tiếng rít thường xảy ra khi không khí phải lưu thông qua các đường dẫn bị hẹp và co thắt. Thở khò khè là một trong những triệu chứng hen suyễn dễ nhận biết nhất, tuy nhiên không phải là đặc trưng của căn bệnh này. Nghĩa là không phải ai thở khò khè cũng mắc bệnh hen suyễn. Tình trạng này có thể là biểu hiện của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác, gồm cả bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và viêm phổi.

3. Triệu chứng hen suyễn: Khó thở

Bạn có thể cảm thấy khó thở hay khó điều hòa hơi thở do đường hô hấp bị viêm và co thắt. Trong những trường hợp nặng hơn, chất nhầy có thể lấp đầy các đường dẫn khí vốn đã bị hẹp của bạn. Triệu chứng này có thể gây ra cảm giác lo lắng và khiến cho việc hít thở của bạn trở nên khó khăn hơn.

4. Khó ngủ

Nếu thường tỉnh giấc vào giữa đêm vì cơn ho hoặc phải cố gắng hết sức để có thể hít thở thì khả năng cao bạn đã mắc phải dấu hiệu của hen suyễn. Tình trạng này sẽ khiến cơ thể yếu dần và hoạt động kém hiệu quả hơn. Để điều trị, bác sĩ thường kê các loại thuốc giúp bạn ngủ ngon hơn.

5. Thở gấp cũng là triệu chứng hen suyễn cần quan tâm

Nếu gặp tình trạng thở gấp liên tục mỗi hai giây dù đang nghỉ ngơi, bạn nên đến bệnh viện để được kiểm tra và theo dõi kịp thời. Trẻ em sẽ có xu hướng thở nhanh hơn người lớn, nhưng nếu bé thở gấp hơn bình thường hoặc không thể thở một cách dễ dàng thì bố mẹ nên đưa con đến bệnh viện ngay.

6. Nặng ngực

Khi các cơ xung quanh đường hô hấp co thắt, bạn sẽ cảm thấy hơi nặng ở ngực. Cảm giác này như thể ai đó đang thắt chặt một sợi dây thừng quanh ngực và khiến bạn cảm thấy vô cùng khó chịu. Triệu chứng hen suyễn này cũng gây khó thở hoặc khó điều hòa hơi thở và dẫn đến cảm giác lo lắng, rất mệt mỏi.

7. Thở dài

Thở dài là một phản ứng tự nhiên liên quan đến sự giãn rộng phổi hết công suất. Về cơ bản, thở dài là việc bạn hít một hơi thật sâu và kéo dài hơi thở của mình ra. Thật khó ngờ, đây lại có thể là dấu hiệu bệnh hen suyễn. Hãy đến bệnh viện gặp bác sĩ để được thăm khám và tìm ra nguyên nhân nếu tình trạng này lặp đi lặp lại và không cải thiện theo thời gian nhé!

8. Triệu chứng hen suyễn: Mệt mỏi khi vận động

Khoảng 10–20% trong tổng số người mắc bệnh hen suyễn cho biết, các hoạt động thể chất kích thích sự bộc phát của các triệu chứng hen suyễn như thở khò khè, đau ngực và khó thở trong vòng 5–20 phút sau khi tập luyện. Nếu bạn nghi ngờ mình bị hen suyễn do vận động thể thao, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về những loại thuốc nên sử dụng trước khi bắt đầu tập.

9. Lo lắng

Lo lắng vừa là triệu chứng của hen suyễn, vừa có thể là yếu tố gây khởi phát cơn hen. Một số người có thể gặp phải các triệu chứng hen suyễn khi cảm thấy căng thẳng và lo lắng. Ngược lại, khi lên cơn hen, đường hô hấp của bạn bị thu hẹp, ngực sẽ thắt lại khiến việc hít thở trở nên khó khăn hơn và từ đó tạo nên cảm giác lo lắng.

10. Hắng giọng

Tằng hắng hay hắng giọng là phản ứng tự nhiên của cơ thể để đẩy chất nhầy bị mắc kẹt trong cổ họng ra ngoài. Trong cổ họng, khoang mũi và xoang là màng nhầy và khi chúng được kích thích, chất nhầy sẽ tiết ra nhiều hơn bình thường. Khi có hiện tượng chất nhầy bị kích thích trong cổ họng và các cơ quan khác, đó có thể là một triệu chứng hen suyễn.

11. Co rút

Dấu hiệu hen suyễn này thường gặp nhiều ở trẻ em hơn là người lớn. Hiện tượng co rút xảy ra khi da và cơ ở vùng cổ co thắt lại hoặc bị hõm xuống khi thở. Đây chắc chắn là dấu hiệu của tình trạng khó thở và không thể loại trừ hen suyễn ra khỏi danh sách các nguyên nhân gây ra triệu chứng.

12. Khó tiêu

Hiện tượng trào ngược axit trong dạ dày có thể là nguyên nhân thầm lặng gây ra những triệu chứng hen suyễn. Hơn nữa, tình trạng này cũng kích thích đường hô hấp và gây khởi phát các cơn hen cấp tính.

Bạn nên đến bệnh viện ngay nếu bị hen suyễn mà thuốc tác dụng nhanh không phát huy tác dụng sau 10 đến 15 phút hoặc gặp bất kỳ triệu chứng nào dưới đây:

  • Nặng ngực
  • Mạch đập nhanh
  • Sốt 40°C hoặc cao hơn
  • Khó nói chuyện hay đi bộ
  • Cực kỳ lo lắng do chứng khó thở gây ra
  • Môi, khuôn mặt hay móng tay bị đổi màu (xanh hoặc xám)
  • Khó thở trầm trọng, cổ và ngực như “bị rút vào” theo từng hơi thở

Hy vọng những dấu hiệu trên sẽ giúp bạn nhận diện các triệu chứng hen suyễn một cách hiệu quả. Tuy nhiên, nếu đã mắc bệnh, bạn nên thay đổi chế độ ăn uống để giúp kiểm soát hen suyễn tại nhà và dùng thuốc điều trị hen suyễn theo đúng chỉ định từ bác sĩ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *