VIÊM DA CƠ ĐỊA Ở TAY: TRIỆU CHỨNG, CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ

Viêm da cơ địa ở tay là tình trạng viêm nhiễm gây ra tình trạng ngứa, khô rát da, nổi mẩn đỏ, bong tróc… khiến người bệnh gặp rất nhiều khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Bệnh thường phát triển thành mạn tính, tái đi tái lại nhiều lần gây tâm lý mệt mỏi. Nếu không được điều trị sớm, viêm da có địa có thể gây những biến chứng khó lường. Để nhận biết chính xác căn bệnh viêm da cơ địa ở tay và biết cách điều trị hiệu quả bằng thảo dược tự nhiên, mời theo dõi nội dung dưới đây.

Bệnh viêm da cơ địa ở tay là gì? Có lây không?

Viêm da cơ địa ở tay (Atopic Dermatitis-AD hand) cũng được gọi là chàm thể tạng ở tay hay eczema tay, liken đơn dạng mạn tính,… Bệnh thường phổ biến và đa số trường hợp bệnh đều bắt đầu từ thời thơ ấu. Viêm da cơ địa ở tay có thể xuất hiện và biến mất trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, ở một số đối tượng chúng có thể kéo dài nhiều năm liền ở mức độ tổn thương da nặng. Chính vì điều này bệnh thường gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày và khả năng làm việc, sinh hoạt của người mắc bệnh.

Hình ảnh viêm da cơ địa ở tay
Hình ảnh viêm da cơ địa ở tay

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan (Trưởng khoa Da liễu, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc dân tộc): Bệnh viêm da cơ địa ở tay không phải do virus, vi khuẩn gây ra, do đó bệnh không lây nhiễm từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc. Vì thế bệnh nhân không cần lo lắng và có thể sinh hoạt bình thường.

Các triệu chứng viêm da cơ địa ở tay

Cũng giống như các dạng viêm da khác, viêm da cơ địa ở tay cũng gây nên các triệu chứng như da bị khô ráp, đau, bong tróc da, có vảy và gây ngứa.

  • Đối với giai đoạn cấp tính, da tay bị đỏ ranh giới không rõ, xuất hiện các đám sẩn, mụn nước nhưng không có vẩy da. Sau đó, da bị đóng vảy tiết, chảy dịch, gãi có thể dẫn đến xước da và gây bội nhiễm vi khuẩn. Tổn thương da ban đầu thường gây ngứa.
  • Trong giai đoạn bán cấp, triệu chứng bệnh thường biểu hiện ở mức độ nhẹ, không tiết dịch và da không phù nề.
  • Giai đoạn mạn tính, da bắt đầu dày thâm, liken hóa, hình thành các vết nứt. Trẻ nhỏ khi mắc bệnh thường quấy khóc, ăn và ngủ ít hơn. Và hậu quả của việc gãi ngứa là vùng da bàn tay bị tổn thương nghiêm trọng.
Hình ảnh viêm da cơ địa ở tay trẻ em
Hình ảnh viêm da cơ địa ở tay trẻ em

Nguyên nhân gây viêm da cơ địa ở tay

Hiện nay y học chưa thể tìm ra chính xác nguyên nhân gây viêm da cơ địa ở tay. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khẳng định di truyền và những rối loạn hệ miễn dịch là yếu tố có liên quan mật thiết đến căn bệnh này. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh viêm da cơ địa.

  • Di truyền: Nhiều nghiên cứu cho thấy, ở những gia đình có bố hoặc mẹ mắc viêm da cơ địa thì con cái sinh ra cũng có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này. Các kết quả tổng kết cho thấy, có đến 60% người bệnh viêm da cơ địa khi sinh con, trẻ sinh ra đã mắc phải căn bệnh này. Nếu cả bố và mẹ đều bị bệnh, khả năng con nhiễm bệnh còn lên đến 80%.
  • Suy giảm hệ miễn dịch: Những rối loạn ở hệ miễn dịch khiến lớp bảo vệ của da yếu kém, dễ bị tấn công bởi các yếu tố bên ngoài môi trường, gây ra tình trạng viêm nhiễm.
  • Hóa chất: Những người sống ở môi trường chứa nhiều hóa chất hoặc làm các công việc mà tay phải tiếp xúc liên tục với hóa chất cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.
  • Thiếu hụt dinh dưỡng: Một số nghiên cứu cũng cho thấy tình trạng thiếu hụt một số vitamin, dưỡng chất cũng khiến làn da yếu hơn và dễ mắc bệnh.
Nguyên nhân gây viêm da cơ địa
Nguyên nhân gây viêm da cơ địa

Làm thế nào có thể điều trị viêm da cơ địa ở tay?

Để chẩn đoán viêm da cơ địa ở tay một cách chuẩn xác, ngoài việc kiểm tra các triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp xét nghiệm. Thử nghiệm miếng dán là một trong những cách kiểm tra quan trọng giúp bác sĩ biết được liệu viêm da tiếp xúc dị ứng có gây viêm da cơ địa ở tay hay không.

Viêm da cơ địa là căn bệnh mạn tính dai dẳng, đòi hỏi quá trình điều trị lâu dài và đúng cách. Bệnh nhân không nên nóng vội, hoặc chữa bệnh bằng những phương pháp truyền miệng chưa được kiểm chứng, có thể dẫn đến những biến chứng khó lường. Dưới đây là những cách chữa viêm da cơ địa ở tay phổ biến nhất.

Chữa viêm da cơ địa ở tay bằng mẹo dân gian

Trong dân gian cũng lưu truyền nhiều cách chữa viêm da cơ địa ở tay bằng nguyên liệu tự nhiên như:

  • Chữa viêm da cơ địa bằng lá trầu không: Dùng lá trầu không rửa sạch, đun sôi với nước, có thể thêm 1 chút muối biển. Để nước trầu không nguội bớt thì ngâm rửa vùng tay bị bệnh.
  • Chữa viêm da cơ địa bằng lá lốt: Lá lốt rửa sạch, để ráo nước rồi giã nhuyễn. Rửa sạch tay rồi chà xát lá lốt lên vùng da bị bệnh.
  • Chữa viêm da cơ địa bằng tỏi: Chọn vài nhánh tỏi tươi, bóc vỏ rồi giã nát. Lấy bông gòn thấm nước cốt tỏi bôi lên vùng da tay bị bệnh.
Dùng lá trầu không - một mẹo dân gian chữa viêm da cơ địa thường được áp dụng
Dùng lá trầu không – một mẹo dân gian chữa viêm da cơ địa thường được áp dụng

Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan cũng cho biết thêm: “Các cách chữa viêm da cơ địa ở tay bằng mẹo dân gian sử dụng những loại lá, cây có tính sát khuẩn mạnh. Phương pháp này có thể giúp làm giảm bớt phần nào các triệu chứng ngứa rát, nhiễm trùng ngoài da. Tuy nhiên hầu như không có tác dụng điều trị. Do đó bệnh nhân vẫn cần thăm khám và điều trị với bác sĩ chuyên khoa để đạt hiệu quả tốt nhất”.

Chữa viêm da cơ địa bằng Tây y

Hiện nay y học hiện đại chưa tìm ra thuốc điều trị đặc hiệu căn bệnh viêm da cơ địa ở tay. Việc điều trị chủ yếu tập trung vào làm giảm triệu chứng bệnh và chữa lành các tổn thương. Một số loại thuốc thường được sử dụng như:

  • Kem làm mềm, dưỡng ẩm da: Dùng kem dưỡng ẩm giúp cung cấp độ ẩm cho da và ngăn ngừa tình trạng ngứa ngáy. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả như mong muốn, người bệnh nên áp dụng chất dưỡng ẩm nhiều lần trong ngày hoặc khi nào bạn cảm thấy da tay bị khô.
  • Thuốc mỡ và kem chứa steroid: Đây là những chất được quy định dùng điều trị các bệnh liên quan đến da, trong đó có bệnh viêm da cơ địa ở tay. Các loại thuốc này có công dụng giúp làm dịu da và hỗ trợ điều trị làm giảm các triệu chứng bệnh. Thế nhưng, chúng chỉ được áp dụng điều trị hai lần trong ngày ở những vùng da mỏng, chưa bị sừng hóa. Và ngưng sử dụng khi viêm da cơ địa ở tay đã giảm. Không nên sử dụng quá liều tránh trường hợp bào mòn và gây teo da. Khi sử dụng cần tuân theo đúng chỉ định của y tá hoặc bác sĩ.
  • Thuốc kháng Histamin: Có tác dụng giúp ức chế sự hình thành histamin và giúp làm giảm ngứa. Tuy nhiên, không phải lúc nào thuốc cũng mang lại hữu ích trong việc điều trị. Bên cạnh đó, chúng có thể gây tác dụng phụ an thần, làm tăng cảm giác buồn ngủ. Vì vậy, những người cần tập trung cao hoặc đang tham gia lái xe,… không nên dùng thuốc, để tránh gây nguy hiểm.
  • Thuốc uống steroid: Rất hữu ích trong trường hợp bệnh chuyển nặng. Bên cạnh đó, chúng cũng thích hợp dùng để điều trị các triệu chứng cấp tính trong những đợt bùng phát ngắn. Tuy nhiên, steroid dạng uống không được khuyến khích dùng lâu dài hoặc dùng khi không có chỉ định của bác sĩ. Bởi chúng gây tác dụng phụ nguy hiểm như gây đục thủy tinh thể, làm tăng đường huyết và gây loãng xương,…
  • Thuốc ức chế miễn dịch toàn thân: Đây là phương pháp chữa trị được chuyên gia chỉ định để điều trị bệnh ở mức độ nghiêm trọng. Pimecrolimus và tacrolimus đều là các chất miễn dịch dạng bôi giúp ức chế sự giải phóng cytokine gây viêm. Đối với việc điều trị viêm da cơ địa mãn tính ở tay tính từ nhẹ đến trung bình, pimecrolimus được cho là hiệu quả hơn tacrolimus. Tuy nhiên, tác dụng phụ nổi bật của hai loại thuốc này đều là gây ngứa tại chỗ ngay sau khi ứng dụng. Do đó, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc.

Ngoài việc dùng thuốc, bệnh nhân có thể được điều trị bằng liệu pháp ánh sáng. Đây là phương pháp điều trị bệnh được chỉ định trong trường hợp viêm da nặng. Bức xạ cực tím sẽ giúp ức chế miễn dịch tại chỗ và làm giảm viêm. Tuy nhiên, trước khi thực hiện liệu pháp này bệnh nhân nên hết sức cân nhắc. Bởi tia cực tím có thể gây hại cho da và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Chữa viêm da cơ địa ở tay bằng Đông y

Theo Bác sĩ Tuyết Lan, bệnh viêm da cơ địa còn được gọi là can tiễn hoặc ngưu bì tiễn. Bệnh do phong, thấp, nhiệt, chủ yếu là do phong xâm nhập cơ thể gây ra. 

Đây là bệnh viêm da mạn tính tái phát có từng đợt, y học cổ truyền (YHCT) sẽ giúp giải quyết căn bệnh này rất hữu hiệu. Với chứng ngứa do phong, YHCT có bài thuốc khu phong. Bệnh nhân có hiện tượng ngứa rát, sưng nề, đau là do nhiệt, có thể sử dụng thuốc thanh nhiệt. Nếu có những viêm nhiễm có nhiễm trùng có thể sử dụng thuốc thanh nhiệt, giải độc. Nếu tổn thương là các sẩn cục nổi lên trên da gây khó chịu, YHCT cho rằng là hiện tượng huyết ứ thì sẽ sử dụng các bài thuốc hoạt huyết.

Bác sĩ đưa ra quan điểm điều trị bệnh da liễu của Y học cổ truyền
Bác sĩ đưa ra quan điểm điều trị bệnh da liễu của Y học cổ truyền

Y học cổ truyền không chỉ giúp điều trị triệu chứng bệnh mà còn đi sâu vào giải quyết căn nguyên gây bệnh từ bên trong. Do đó, mang đến hiệu quả lâu dài và phòng ngừa tái phát.

Bạn đọc có thể tìm hiểu các cách chữa viêm da cơ địa bằng Đông y qua bài viết: NHỮNG BÀI THUỐC ĐÔNG Y CHỮA VIÊM DA CƠ ĐỊA

Người bị viêm da cơ địa ở tay nên kiêng ăn gì?

Theo các nhà tư vấn dinh dưỡng, những gì người bệnh ăn không trực tiếp gây viêm da cơ địa ở tay nhưng chúng có thể là thủ phạm làm gia tăng triệu chứng gây dị ứng. Vì vậy, nếu chẳng may mắc viêm da cơ địa ở tay, bệnh nhân nên kiêng các loại thực phẩm gây dị ứng như

  • Đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành.
  • Các sản phẩm từ sữa.
  • Trứng
  • Quả hạch.

Thực phẩm chứa chất bảo quản cũng góp phần làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh. Đặc biệt là những thực phẩm chứa nhiều chất béo chuyển hóa như bơ thực vật hoặc các thực phẩm chế biến nhanh.

Bên cạnh đó, thức ăn chứa nhiều đường cũng có thể kích thích bệnh viêm da phát triển mạnh mẽ. Bởi đường làm insulin trong máu tăng một cách đột ngột và kết quả là gây viêm. Vì vậy, người bệnh nên tránh xa một số thức ăn chứa đường như

  • Bánh ngọt, kẹo ngọt.
  • Nước uống có chứa lượng đường lớn như nước ngọt, sinh tố.

Phòng ngừa bệnh viêm da cơ địa ở tay như thế nào?

Một trong những nguyên tắc vàng để phòng bệnh hiệu quả là bệnh nhân nên tránh xa các tác nhân gây bệnh. Tốt nhất, nên hạn chế tiếp xúc với nước nóng, xà phòng, chất tẩy rửa có chứa hóa chất độc hại.

Nên dùng găng tay bảo hộ nếu bạn thực hiện việc nhà hoặc đang làm công việc bắt buộc phải tiếp xúc với hóa chất. Tuy nhiên, nên lưu ý, găng tay phải khô, sạch và không bị hư hỏng. Ngoài ra, nếu không đeo găng tay người bệnh cũng nên thoa kem chống rạn da trước khi tiếp xúc với hóa chất. Và sau khi ngưng tiếp xúc, nên rửa tay bằng xà phòng và bôi kem dưỡng ẩm.

Những việc cần tránh khi bị viêm da cơ địa
Những việc cần tránh khi bị viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa ở tay nếu không được điều trị sớm bệnh sẽ tái đi tái lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như vấn đề thẩm mỹ. Do đó, người bệnh nên tiến hành khám và chữa bệnh ngay từ khi thấy dấu hiệu đầu tiên của bệnh xuất hiện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *