THỰC PHẨM KHÔNG DÀNH CHO NGƯỜI BỊ VIÊM MŨI DỊ ỨNG

Viêm mũi dị ứng là bệnh không đe dọa tới tính mạng nhưng có thể gây những khó chịu cho người bệnh. Ngoài bị ảnh hưởng bởi thời tiết, một số thực phẩm cũng làm tăng phản ứng dị ứng. Vậy viêm mũi dị ứng nên ăn gì và viêm mũi dị ứng không nên ăn gì?

1. Viêm mũi dị ứng là gì?

Ở người bình thường, hệ thống miễn dịch có vai trò chống lại những tác nhân gây hại cho cơ thể như vi khuẩn, virus. Tuy nhiên, ở bệnh nhân viêm mũi dị ứng, hệ thống miễn dịch lại phản ứng quá mức đối với những thành phần hầu như vô hại với cơ thể như phấn hoa,… gây ra phản ứng viêm và kích thích, gọi là phản ứng dị ứng ở lớp niêm mạc phủ trên bề mặt mũi, mắt và các xoang.

Viêm mũi dị ứng là hiện tượng mũi bị viêm, sưng tấy do dị ứng với các tác nhân trong và ngoài cơ thể như: Khói, bụi, lông tơ, thời tiết, độ ẩm, nhiệt độ, áp suất không khí. Bệnh thường gặp ở người trong độ tuổi 21 – 30. Căn bệnh này làm ảnh hưởng tới hiệu suất học tập, làm việc, cản trở các hoạt động thể thao, giải trí của con người.

Viêm mũi dị ứng là gì

2. Ảnh hưởng của chế độ dinh dưỡng đối với bệnh viêm mũi dị ứng

Đối với bệnh nhân viêm mũi dị ứng, thực phẩm có thể là tác nhân gây bệnh và cũng có thể là giải pháp giúp hạn chế tái phát bệnh. Trong quá trình điều trị viêm mũi dị ứng, nếu biết kết hợp một cách khoa học giữa việc dùng thuốc và dinh dưỡng thì bệnh nhân sẽ đẩy lùi được căn bệnh này, nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Không chỉ vậy, một số loại thực phẩm còn có công dụng phòng ngừa viêm mũi dị ứng tái phát rất hiệu quả.

3. Viêm mũi dị ứng nên ăn gì?

Một số loại thực phẩm tốt cho bệnh nhân viêm mũi dị ứng gồm:

3.1 Rau, củ quả giàu vitamin C

Để phòng tránh bệnh viêm mũi dị ứng, người bệnh cần tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Và vitamin C chính là thành phần giúp củng cố hệ miễn dịch hiệu quả. Vitamin C có trong ớt chuông, cherry, cà rốt, bưởi, khế,… rất tốt cho bệnh nhân viêm mũi dị ứng. Ngoài ra, cam, táo, nước ép cà chua với hàm lượng chất chống oxy hóa cao cũng giúp chống lại bệnh viêm mũi dị ứng và hen suyễn hiệu quả. Vì vậy, bệnh nhân viêm mũi dị ứng nên tích cực sử dụng các loại thực phẩm này.

3.2 Món ăn giàu Omega-3

Cá hồi, cá mòi, cá nục,… là nhóm thực phẩm giàu chất béo Omega-3 có tác dụng ngăn ngừa những phản ứng sưng tấy trên đường hô hấp. Do đó, các món ăn từ cá có hàm lượng Omega-3 cao rất tốt cho bệnh nhân viêm mũi dị ứng.

3.3 Thực phẩm có tính ấm

Các loại gia vị như hành, tỏi, gừng,… có tính ấm đều chứa nhiều chất kháng sinh có tác dụng phòng ngừa viêm mũi dị ứng và viêm xoang hữu hiệu. Bên cạnh đó, bệnh nhân viêm mũi dị ứng cũng nên thường xuyên sử dụng một số món ăn có công dụng bổ phế âm như củ từ, gạo nếp, nhãn, táo tàu, đường đỏ,… để ngăn ngừa viêm mũi dị ứng.

3.4 Gia vị có tinh dầu

Các cây gia vị có tinh dầu như bạc hà, rau mùi, rau ngổ,… có tác dụng rất tốt đối với người bệnh viêm mũi dị ứng.

4. Viêm mũi dị ứng không nên ăn gì?

Để phòng ngừa bệnh viêm mũi dị ứng tái phát hoặc tăng nặng, người bệnh không nên ăn một số loại thực phẩm sau:

4.1 Thức ăn có tính lạnh, béo và tanh

Bệnh nhân viêm mũi dị ứng nên hạn chế ăn các loại thực phẩm có tính lạnh hoặc dễ gây dị ứng như tôm, cua, ốc, mực, hải sâm,… vì có thể khiến triệu chứng dị ứng trở nên nghiêm trọng hơn. Thịt mỡ cũng có thể làm cổ họng của người bệnh khó chịu. Thịt gà thuộc tính phong lạnh, có thể làm tăng tình trạng dị ứng. Bên cạnh đó, người bệnh cũng không nên uống nước lạnh, kem, đá lạnh,… vì chúng sẽ kích thích các cơn hắt xì liên tục, kích thích các cơn co thắt phế quản, gây ho và tăng tiết chất nhầy đường hô hấp.

4.2 Đồ ăn cay nóng

Các loại gia vị cay nóng như ớt, tiêu,… có thể khiến bệnh nhân viêm mũi dị ứng bị ngứa mũi, hắt xì liên tục. Bên cạnh đó, đồ ăn cay nóng cũng dễ khiến axit dạ dày trào lên trên cổ, gây ảnh hưởng xấu tới tai – mũi – họng. Đồ uống có cồn cũng có thể làm mất nước trong cơ thể, làm đặc chất nhầy trong mũi, sưng màng ở mũi và xoang, khiến bệnh viêm mũi dị ứng trở nên nghiêm trọng. Vì vậy, bệnh nhân viêm mũi dị ứng nên hạn chế tới mức tối đa việc sử dụng các loại thực phẩm này.

4.3 Các loại thực phẩm dễ gây dị ứng

Người bệnh viêm mũi dị ứng cũng nên hạn chế ăn lê, dưa hấu hay các loại hạt vì chúng có thể gây ngứa ở họng hoặc quanh miệng, kích thích bệnh viêm mũi dị ứng phát tác. Thịt bò chứa hàm lượng protein cao nhưng cũng là thực phẩm dễ gây dị ứng nên bệnh nhân cần thận trọng khi sử dụng. Nhộng tằm, nấm, côn trùng, đào, lạc hay cần tây,… cũng là tác nhân dễ gây dị ứng nên bệnh nhân cần tránh ăn các loại thực phẩm này nếu không muốn bệnh viêm mũi dị ứng trở nên trầm trọng hơn.

Các loại hạt gây ngứa với người bị viêm mũi họng

4.4 Sữa và các chế phẩm từ sữa

Sữa và các chế phẩm từ sữa có thể làm tăng chất nhầy trong mũi, gây tắc mũi. Hiện tượng ẩm ướt, tắc mũi gây cản trở lưu thông khí trong các rãnh xoang, tạo điều kiện cho các vi khuẩn phát triển, làm viêm mũi dị ứng trở nên nặng hơn.

4.5 Chất phụ gia

Một số chất phụ gia thực phẩm nhân tạo có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm mũi dị ứng. Các chất phụ gia có trong chất bảo quản, hương liệu và chất tạo màu nhân tạo. Những chất phụ gia thường gặp làm bệnh viêm mũi dị ứng nặng hơn gồm: Mì chính, Benzaldehyde, FD & C nhuộm màu vàng số 5,…

Duy trì một chế độ ăn uống khoa học, kết hợp với việc tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ chính là biện pháp hữu hiệu giúp bệnh nhân viêm mũi dị ứng có thể đẩy lùi căn bệnh này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *