VIÊM MŨI DỊ ỨNG KHI MANG THAI – 5 GIẢI PHÁP KIỂM SOÁT AN TOÀN

Tình trạng viêm mũi dị ứng khi mang thai diễn ra kéo theo những triệu chứng khó chịu có thể xảy ra với bất cứ mẹ bầu nào. Vậy cách điều trị dị ứng trong thai kỳ có gì khác biệt so với bình thường?

Đây có lẽ là vấn đề mà các mẹ nên quan tâm. Bởi vì các triệu chứng của dị ứng như ngứa, phát ban, hắt hơi, sổ mũi… có thể khiến mẹ bầu khó chịu. Từ đó đó ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và sức khỏe khi mang thai. Đồng thời, trong trường hợp mẹ bầu phải kiểm soát bệnh, điều quan trọng là nên cẩn thận và hỏi thêm ý kiến bác sĩ để được tư vấn giải pháp điều trị an toàn cho cả mẹ và thai nhi.

Sự thay đổi của tình trạng viêm mũi dị ứng khi mang thai

Nếu trước khi mang thai từng bị viêm mũi dị ứng, chắc hẳn mẹ bầu đã quen thuộc với những triệu chứng như ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mắt, sổ mũi hoặc nghẹt mũi. Tuy nhiên, một số chị em vẫn thắc mắc rằng mức độ của các triệu chứng dị ứng thay đổi như thế nào khi mang thai?

Câu trả lời là không có kết luận chung cho vấn đề này. Theo một khảo sát tìm hiểu về sự thật thú vị liên quan đến viêm mũi dị ứng khi mang thai, kết quả cho thấy:

  • 1/3 phụ nữ mang thai nhận thấy các triệu chứng của viêm mũi dị ứng đỡ hơn trước.
  • 1/3 mẹ bầu lại cảm thấy các triệu chứng trở nên tồi tệ.
  • Số còn lại nhận thấy các triệu chứng dị ứng của họ hoàn toàn không khác gì trước khi mang thai.

5 giải pháp kiểm soát viêm mũi dị ứng khi mang thai một cách an toàn

Bệnh viêm mũi dị ứng khi mang thai không ảnh hưởng nhiều đến em bé nhưng mẹ vẫn nên cân nhắc kỹ lưỡng về các giải pháp kiểm soát triệu chứng dị ứng để bớt khó chịu. Thông thường, những phương pháp sẽ thay đổi một chút và các sự lựa chọn trở nên hạn chế để tránh rủi ro cho thai nhi. Sau đây sẽ là những điều mẹ cần lưu ý.

1. Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng

Những tác nhân từ môi trường như nấm mốc, phấn hoa, lông động vật hoặc không khí ô nhiễm thường là những yếu tố gây ra các triệu chứng của viêm mũi dị ứng. Đồng thời cũng là những tác nhân khó tránh nhất.

Lời khuyên của các chuyên gia là khi đến mùa có nhiều phấn hoa phát tán trong môi trường hoặc không khí ô nhiễm ở mức báo động thì mẹ bầu nên:

  • Hạn chế thời gian ra ngoài
  • Đeo kính râm, khẩu trang khi ra đường
  • Thay quần áo, vệ sinh cơ thể, tay chân sạch sẽ khi từ bên ngoài trở về nhà
  • Giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, tránh đến những khu vực ẩm thấp trong nhà.
  • Đóng cửa sổ, bật điều hòa để tránh nắng nóng, dùng máy lọc không khí (nếu có) để giữ cho không gian sống luôn trong lành.

Đối với trường hợp nấm mốc phát triển hoặc nhiều lông thú cưng trong nhà, bạn nên dùng máy hút bụi để làm sạch lông thú, mở cửa sổ để đảm bảo sự thông thoáng. Đồng thời tránh tiếp xúc với vật nuôi càng nhiều càng tốt. Lưu ý là mẹ chỉ nên mở cửa khi mật độ phấn hoa trong không khí bên ngoài thấp và không khí không quá ô nhiễm.

2. Không nên căng thẳng nếu bị nghẹt mũi khi mang thai

Nghẹt mũi là tình trạng phổ biến ở mẹ bầu, thường bắt đầu vào tam cá nguyệt thứ 2. Đồng thời, đó cũng có thể là một trong những triệu chứng của viêm mũi dị ứng khi mang thai. Tuy nhiên, nếu bạn không bị dị ứng thì vấn đề nghẹt mũi trong thai kỳ thường hết hẳn sau khi sinh con nên đừng quá lo lắng.

Để cải thiện tình trạng nghẹt mũi, các mẹ có thể sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà để giúp làm ẩm không khí. Từ đó làm dịu đường mũi đang bị kích thích và giúp việc hít thở của bạn trở nên dễ chịu hơn.

3. Cân nhắc kỹ việc sẽ dùng thuốc gì để kiểm soát triệu chứng viêm mũi dị ứng khi mang thai

Mẹ bầu nên hết sức thận trọng đối với việc dùng thuốc khi mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu. Nếu các triệu chứng ở mức độ nhẹ, bạn không cần phải uống thuốc. Thay vào đó nên sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi hoặc xịt mũi. Điều này sẽ giúp mẹ kiểm soát các triệu chứng viêm mũi dị ứng khi mang thai an toàn hơn.

Trong trường hợp mẹ bầu dị ứng nghiêm trọng, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc. Bởi vì hầu hết loại thuốc chống dị ứng đều không an toàn cho thai nhi. Hiện nay, chỉ có Loratadine và Cetirizine là thuốc kháng histamine đã được chứng minh là an toàn với phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, bạn vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng.

4. Sử dụng thuốc xịt mũi chứa thành phần an toàn cho mẹ bầu

Ưu điểm lớn nhất của thuốc xịt mũi là dung dịch chỉ tiếp xúc với khoang mũi và niêm mạc mũi chứ không thâm nhập sâu vào cơ thể. Do đó, mẹ bầu dùng thuốc xịt mũi là cách kiểm soát viêm mũi dị ứng khi mang thai khá an toàn.

Điều quan trọng là bạn nên chọn một số thuốc xịt mũi steroid không gây ảnh hưởng đến thai nhi như Corticosteroid, Budesonide, Mometasone hoặc Fluticasone. Bên cạnh đó, mẹ bầu nên tránh các loại thuốc thông mũi và thuốc xịt mũi kháng histamine vì chưa có đủ dữ liệu để chứng minh sự an toàn của những sản phẩm này đối với thai nhi. Nếu không chắc chắn, hãy trao đổi thêm với bác sĩ hay dược sĩ về loại thuốc xịt mũi phù hợp với bạn.

5. Có nên tiêm thuốc ngừa dị ứng khi mang thai?

Mẹ bầu có thể tiếp tục tiêm ngừa dị ứng khi mang thai nếu trước đó đã tiêm và không gặp phản ứng gì bất lợi. Đồng thời, bạn nên duy trì liều lượng như cũ và không nên tiêm nhiều hơn trong thai kỳ. Nếu gặp bất cứ triệu chứng nào bất thường, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được giảm liều lượng tiêm hoặc ngừng hẳn.

Trong trường hợp bạn chưa từng tiêm thuốc chống dị ứng trước khi mang thai thì không nên tiêm trong thời điểm bắt đầu có thai. Bởi vì lúc này không có sự chắc chắn nào về phản ứng của cơ thể mẹ đối với thuốc. Hơn nữa, khi hệ miễn dịch đang có vấn đề, việc bất ngờ tiêm thuốc có thể gây ra một số rủi ro cho mẹ lẫn thai nhi.

Nếu bị viêm mũi dị ứng khi mang thai thì mẹ không cần quá lo lắng vì sợ dùng thuốc sẽ gây hại cho thai nhi. Có khá nhiều cách để mẹ bầu kiểm soát tình trạng này tại nhà mà vẫn an toàn. Nếu có bất cứ thắc mắc nào thì bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ càng sớm càng tốt để cải thiện viêm mũi dị ứng và đảm bảo chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *