MỔ VIÊM XOANG: NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý TRƯỚC VÀ SAU KHI PHẪU THUẬT

Khi đã dùng nhiều loại thuốc và áp dụng các phương pháp chữa khác nhau mà triệu chứng khó chịu của viêm xoang vẫn không dứt, nhiều người nghĩ đến phương án phẫu thuật. Thế nhưng, người bệnh cần phải tìm hiểu kỹ về việc mổ viêm xoang trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Thế nào là viêm xoang?

1. Viêm xoang là gì?

Viêm xoang là khi một hoặc nhiều xoang bị viêm. Các vấn đề về đường hô hấp như cảm lạnh, cảm cúm, dị ứng thường dẫn tới viêm xoang.

Xoang là các khoang rỗng nằm trong hốc xương sọ mặt. Các xoang thường nằm ở vị trí gần mũi. Có 4 nhóm xoang chính:

  • Xoang trán: Viêm xoang trán gây đau nhức vùng hốc mắt và góc trong lông mày
  • Xoang hàm: Viêm xoang hàm gây sưng nề, đau vùng má.
  • Xoang sàng: Viêm xoang sàng gây đau nhức gốc mũi và đỉnh đầu.
  • Xoang bướm: Viêm xoang bướm gây đau nhức đầu ở phía trong, gần gáy.

Bệnh nhân có khả năng bị viêm một hoặc nhiều xoang cùng lúc. Tình trạng viêm khiến các niêm mạc lót xoang sưng to, gây bít tắc xoang, hình thành dịch mủ, khiến người bệnh bị chảy nước mũi, đau đầu khó chịu.

2. Các loại viêm xoang

Viêm xoang có 2 thể:

  • Viêm xoang cấp tính: Viêm xoang cấp tính có thể được chữa khỏi nếu người bệnh tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Triệu chứng của viêm xoang cấp tính thường không kéo dài quá 4 tuần.
  • Viêm xoang mạn tính: Là viêm xoang có triệu chứng kéo dài, trên 12 tuần, viêm tái đi tái lại thành nhiều đợt mỗi năm (khoảng 3-4 lần).

3. Nguyên nhân viêm xoang

Để xác định được trường hợp nào nên mổ viêm xoang, trước tiên, cần tìm hiểu nguyên nhân của bệnh viêm xoang.

Một số nguyên nhân gây viêm xoang bao gồm:

  • Môi trường: Thời tiết thay đổi đột ngột, không khí ô nhiễm chứa nhiều hóa chất độc hại, khói bụi; khu vực sống dơ bẩn, kém vệ sinh.
  • Dị ứng, sức đề kháng kém: Cơ địa dễ dị ứng cũng khiến nhiều người dễ bị viêm xoang hơn. Các yếu tố gây dị ứng thường là hải sản, hóa chất, phấn hoa, bào tử nấm, mạt bụi. Những người có bệnh khác, cơ thể đang yếu cũng dễ bị viêm xoang
  • Vệ sinh cá nhân kém: Không rửa tay, rửa mặt, đánh răng súc miệng và giữ vệ sinh cá nhân đầy đủ thì vi khuẩn sẽ xâm nhập vào mũi, gây viêm mũi, viêm xoang.
  • Các nguyên nhân khác như viêm đường hô hấp kéo dài dẫn đến viêm xoang, sâu răng, nhiễm trùng ở răng hàm, vẹo hoặc lệch vách ngăn mũi.

Biến chứng viêm xoang có nguy hiểm không?

Một số biến chứng của viêm xoang nguy hiểm hơn chúng ta vẫn nghĩ, nếu thờ ơ không chữa trị kịp thời. Viêm xoang dễ ảnh hưởng đến các vùng gần mũi (mắt, não bộ, họng). Viêm xoang cũng gây nhiễm trùng lan tỏa đến các cơ quan lân cận: họng, xuống đến phế quản và phổi.

Biến chứng viêm xoang rất đa dạng:

  • Biến chứng về đường hô hấp: Viêm họng (cấp tính và mạn tính), viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi
  • Biến chứng về mắt: Viêm túi lệ, viêm mi mắt, viêm các dây thần kinh ở mắt, tổn thương trong ổ mắt, áp xe nhãn cầu
  • Biến chứng sọ não: Viêm màng não, viêm tĩnh mạch xoang hang, áp xe thùy trán, áp xe não
  • Biến chứng khác: Viêm tai giữa, biến chứng ở xương

Khi nào cần mổ viêm xoang?

  • Khi điều trị nội khoa không hiệu quả, viêm mạn tính, tái phát thành nhiều đợt từ 4-5 lần/năm
  • Các triệu chứng của viêm xoang ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
  • Biến chứng của viêm xoang tiến triển khiến sức khỏe người bệnh gặp nguy hiểm
  • Bệnh nhân bị viêm xoang do nấm: có khối u nấm, nấm xâm lấn
  • Bệnh nhân có cấu trúc giải phẫu mũi bất thường gây viêm xoang như lệch vách ngăn mũi, gai vách ngăn, polyp mũi, phì đại cuống mũi, Conchabullosa cuống mũi, xẹp lõm xoang hàm…

Ưu – nhược điểm của mổ viêm xoang

Hiện nay, đa số bệnh nhân thực hiện mổ nội soi viêm xoang, tên gọi chính xác là “phẫu thuật nội soi mũi xoang” (FESS – Functional Endoscopic Sinus Surgery). Mổ viêm xoang nội soi có ưu điểm và nhược điểm nhất định.

1. Ưu điểm

  • Nhanh chóng: Mỗi ca mổ chỉ mất 15-20 phút. Bệnh nhân sau mổ có thể về nhà sớm
  • An toàn: Đầu dò tác động trực tiếp vào vùng gây bệnh, ít xâm lấn
  • Phục hồi nhanh: Do ít gây ảnh hưởng đến các mô lân cận nên bệnh nhân phục hồi nhanh, ít đau, ít chảy máu, không ảnh hưởng đến việc ăn uống
  • Hiệu quả cao: Hầu hết các trường hợp mổ xoang cảm thấy tình trạng được cải thiện hẳn
  • Tránh được biến chứng nguy hiểm như áp xe nhãn cầu, áp xe sọ

2. Nhược điểm

  • Viêm xoang có thể tái phát, đặc biệt là với một số đối tượng bị tiểu đường, cao huyết áp, những người có thói quen hút thuốc…
  • Một khi mổ viêm xoang tức là đã có tác động đến cấu trúc giải phẫu tự nhiên ở hệ thống xoang mũi, ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của mũi.
  • Sức đề kháng của người bệnh sẽ giảm dần sau mỗi lần mổ xoang. Điều này khiến bệnh càng dễ tái phát và khó điều trị hơn.
  • Tai biến: Sau phẫu thuật, có bệnh nhân hài lòng vì các triệu chứng khó chịu giảm đáng kể nhưng trái lại, có nhiều bệnh nhân không vừa ý vì triệu chứng vẫn còn và bệnh tái phát chỉ vài năm sau đó. Đây cũng là câu trả lời cho vấn đề “mổ xoang có khỏi hẳn không?” hay “mổ viêm xoang có hết không?”.

Nhiều người thắc mắc rằng “mổ viêm xoang có nguy hiểm không?”. Thực tế, vẫn có một vài rủi ro sau khi mổ viêm xoang, bao gồm:

Một số biến chứng sau mổ viêm xoang bao gồm:

  • Tổn thương ống lệ hoặc túi lệ
  • Bít lấp lỗ thông xoang hàm sau mổ
  • Phù nề dưới da hoặc tràn khí dưới da

Những biến chứng mổ xoang khác nghiêm trọng hơn bao gồm:

  • Mù lòa
  • Rò dịch não tủy
  • Chảy máu sau nhãn cầu, tai biến ở mắt, song thị

Biến chứng hiếm gặp hơn bao gồm:

  • Thoát vị tổ chức mỡ vào ổ mắt vào hốc mắt, tụ máu ổ mắt
  • Tổn thương động mạch cảnh trong và xoang hang
  • Tổn thương tổ chức não

Những biến chứng này là lời giải đáp cho thắc mắc “mổ xoang có nguy hiểm không?”. Mặc dù có một số rủi ro xảy ra do mổ viêm xoang, nhưng đây là những biến chứng vô cùng hiếm gặp. Lợi ích của việc mổ xoang mũi, mổ xoang trán… nhiều hơn những nhược điểm hiếm thấy này.

Lưu ý về việc mổ viêm xoang

Không nên mổ xoang khi chưa thực sự cần thiết vì sẽ phá vỡ hệ thống cấu trúc giải phẫu của hệ thống mũi xoang, vốn đang tương đối bình thường. Can thiệp vào niêm mạc mũi cũng như can thiệp vào tổ chức mũi xoang khi chưa cần thiết gây ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của mũi. Bên cạnh đó, sức đề kháng của cơ thể sẽ giảm sau mỗi lần mổ viêm xoang, khiến bệnh dễ tái phát và làm cho việc điều trị càng khó khăn hơn.

Người bị lao, tiểu đường, cao huyết áp thuộc đối tượng những người dễ bị tái phát bệnh viêm xoang. Nếu thuộc một trong số này, bạn nên tham vấn bác sĩ cũng như cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định phẫu thuật viêm xoang.

Nếu được bác sĩ khuyên là không nên mổ, bệnh nhân vẫn có thể áp dụng các biện pháp điều trị thông thường giúp giảm đáng kể triệu chứng. Phòng chống các bệnh về đường hô hấp trên có khả năng dẫn đến viêm xoang như cảm lạnh, cảm cúm… cũng là một cách giúp ngăn ngừa triệu chứng khó chịu bùng phát.

Khi đã quyết định mổ xoang, bạn cần lưu ý những điều sau:

1. Những điều cần chuẩn bị trước khi mổ viêm xoang

  • Cai thuốc lá. Hút thuốc lá khiến bệnh nhân dễ gặp biến chứng sau mổ. Vợ, chồng hoặc người nhà có hút thuốc cũng nên bỏ để tránh ảnh hưởng đến người bệnh
  • Dành thời gian trước và sau mổ để chuẩn bị và phục hồi. Không nên thực hiện dự định quan trọng nào trong suốt hai tuần sau mổ. Không đi xa. Nếu cần ra đường phải đeo khẩu trang che chắn bụi
  • Nhịn ăn 6 tiếng trước khi mổ, không uống nước trước lúc phẫu thuật viêm xoang 2 tiếng
  • Báo cho bác sĩ những thuốc mà bạn dị ứng, những loại thuốc hiện đang dùng
  • Giữ tinh thần thoải mái, không nên quá lo lắng, căng thẳng

2. Những điều phải chú ý sau khi mổ viêm xoang

Vì bác sĩ đặt hai miếng xốp bên trong mũi để cầm máu nên bệnh nhân chỉ thở bằng đường miệng. Có một ít máu trong mũi hoặc miệng lúc này là triệu chứng sau mổ xoang bình thường. Khi được chuyển ra khỏi phòng mổ và đã tỉnh táo trở lại, bạn hãy nhổ ra hết máu, chất dịch trong mũi, miệng. Không nên khạc hoặc khịt mũi quá mạnh.

Khi vừa phẫu thuật viêm xoang xong, bạn có thể thấy mệt mỏi, khó chịu. Hãy uống chút nước và ăn ít thức ăn, nhưng đừng ăn quá nhiều để tránh bị nôn. Bệnh nhân mổ viêm xoang xong thường được về nhà trong ngày.

Người bệnh cần uống thuốc theo đúng toa, thực hiện rửa mũi bằng nước muối sinh lý theo hướng dẫn của bác sĩ (2-3 lần/ngày trong 3-6 tuần), tái khám đúng hẹn.

Trong hai tuần đầu sau mổ, cần tránh thuốc lá, môi trường ô nhiễm, khói bụi. Tránh làm việc nặng hay tập thể dục với cường độ cao.

Sau mổ, bệnh nhân có thể thấy một số hiện tượng:

  • Niêm mạc mũi phù nề khiến bạn có cảm giác giống như bị cảm cúm do nhiễm siêu vi
  • Có xuất hiện máu tươi thấm trên khăn tay trong 1, 2 tuần đầu
  • Có ít máu bầm, đàm nhầy chảy xuống họng trong khoảng 3 tháng sau mổ

Những triệu chứng sau mổ xoang như trên là bình thường. Tuy nhiên, nếu máu tươi chảy nhiều thì là không bình thường. Người bệnh lúc này cần ngồi yên trên ghế, bóp hai cánh mũi, thở bằng miệng, nhờ người lấy đá lạnh chườm lên mũi để cầm máu. Nếu sau 5 phút mà máu vẫn chảy thì phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện.

>>>Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *