TRẺ SỐT CÓ NÊN TẮM KHÔNG? HƯỚNG DẪN TẮM TRẺ BỊ SỐT TỪ BÁC SĨ CHUYÊN KHOA

Có rất nhiều mẹ thắc mắc: Trẻ sốt có nên tắm không? Theo quan niệm dân gian, trẻ bị sốt thì không nên tắm vì sẽ làm bệnh trở nặng. Tuy nhiên, đây không phải là câu trả lời đúng.

Trẻ đang có bệnh vẫn cần thiết phải tắm, điều này mang lại sự thoải mái hơn cho trẻ. Tuy nhiên, việc tắm cho trẻ khi sốt sẽ có một số lưu ý quan trọng. Hãy đọc ngay bài viết sau để hiểu rõ về việc tắm cho trẻ khi trẻ sốt nhé!

Trẻ sơ sinh và những triệu chứng khi sốt

Thân nhiệt bình thường của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trung bình vào khoảng 37.5℃ khi đo ở hậu môn. Khi nhiệt độ của trẻ tăng ở mức 38 độ C (hậu môn) hoặc hơn thì trẻ đã bị sốt. Trẻ có thể biểu hiện sốt rõ ràng hoặc không rõ ràng. Với trẻ càng nhỏ, các biểu hiện càng khó nhận ra. Tuy nhiên, cha mẹ có thể phát hiện con đang sốt khi trẻ có các dấu hiệu bất thường như: kích thích, ngủ nhiều hơn, bú kém, quấy khóc nhiều, thở nhanh, cảm thấy ấm hoặc nóng hơn bình thường, một số bé có thể có co giật. Để có được kết quả chính xác, mẹ cần sử dụng nhiệt kế để đo thân nhiệt của trẻ.

Vậy, trẻ bao nhiêu độ thì bị sốt? Trẻ có thể đã bị sốt nếu như:

  • Nhiệt độ hậu môn và tai từ 38 độ C trở lên
  • Nhiệt độ miệng từ 37,8 độ C trở lên
  • Nhiệt độ vùng nách từ 37,2 độ C trở lên

Bên cạnh đó, mẹ cũng sẽ phải lưu ý đến mức độ sốt (khi đo thân nhiệt ở trực tràng) gợi ý tình trạng nghiêm trọng hơn ở các độ tuổi như:

  • Sốt từ 38 độ C ở trẻ dưới 3 tháng tuổi
  • Sốt từ 39 độ C ở trẻ ở trẻ 3 đến 6 tháng tuổi
  • Sốt từ 40 độ C mọi lứa tuổi.

Ngoài ra, mẹ hãy lưu ý những triệu chứng và biểu hiện khác của trẻ như kích thích, quấy khóc nhiều, tiểu rất ít (6-8h chưa đi tiểu) đau đầu dữ dội, nôn nhiều, gáy cứng, sợ ánh sáng, phát ban mới trên da… Nếu trẻ có dấu hiệu bất thường hoặc bệnh ngày càng nặng thì nên đưa trẻ đi khám ngay lập tức.

Trẻ sốt có nên tắm không?

Đây chính là câu hỏi thu hút nhiều ý kiến trái chiều, khiến nhiều người lần đầu làm mẹ không khỏi hoang mang. Câu trả lời cho câu hỏi: Trẻ sốt có nên tắm không là tùy vào từng tình huống mẹ nhé!

Trẻ bị sốt được tắm khi nào?

Với các bé dưới 3 tháng tuổi, mẹ có thể tắm cho trẻ khi cơn sốt của trẻ dưới 38 độ C. Còn với các bé từ từ 3 – 6 tháng tuổi, mẹ có thể tắm cho con khi bé sốt dưới 39 độ C. Tuy nhiên, mẹ cũng nên lưu ý những biểu hiện bất thường khác. Trẻ bị sốt có thân nhiệt cao hơn bình thường, việc tắm rửa có thể giúp hạ thân nhiệt và làm cho trẻ thoải mái hơn.

Đặc biệt các trẻ có bệnh lý nhiễm trùng trên da như thủy đậu, tay chân miệng, chốc lở, mụn nhọt không được kiêng nước, cần tắm – vệ sinh da sạch sẽ, chỉ cần tránh gây trầy xước tổn thương thêm. Việc tắm sạch ở các trẻ bệnh này giúp trẻ thoải mái hơn, đỡ ngứa tránh gãi nhiều gây trầy xước da nặng hơn, đỡ lây truyền bệnh hoặc các biến chứng da nặng hơn. Vậy trẻ bị sốt không được tắm khi nào? Mẹ tuyệt đối không được tắm khi trẻ sốt quá cao.

Hướng dẫn tắm cho trẻ bị sốt từ bác sĩ nhi khoa

Việc tắm cho trẻ bị sốt sẽ đòi hỏi mẹ phải cẩn thận hơn trong quy trình và luôn phải quan sát, lưu ý đến các biểu hiện của trẻ. Mẹ hãy tham khảo hướng dẫn tắm trẻ bị sốt mà nhiều mẹ chia sẻ kinh nghiệm như sau:

  • Chuẩn bị khăn tắm, áo quần và những vật dụng khác
  • Đóng tất cả các cửa lại, tránh để gió lùa vào phòng tắm
  • Chuẩn bị nước tắm và sữa tắm cho trẻ. Nhiệt độ nước nên thấp hơn 2 độ C so với thân nhiệt của trẻ
  • Tiến hành tắm cho trẻ trong nước ấm trong khoảng 10 – 15 phút và đảm bảo nước không bị lạnh
  • Lưu ý các biểu hiện của trẻ. Nếu trẻ rùng mình, mẹ hãy đưa trẻ ra ngoài ngay lập tức và dùng khăn lau nước trên cơ thể trẻ
  • Mẹ có thể mát xa nhẹ nhàng cho trẻ bằng kem dưỡng da, nếu muốn
  • Cuối cùng, mặc đồ thông thoáng, rộng rãi cho trẻ.

Ngoài tắm rửa ra, cần cho trẻ nghỉ ngơi, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, hãy bổ sung nhiều nước cho trẻ để bù lại lượng nước cho trẻ trong lúc sốt bằng cách tăng số lần bú. Với các bé đã lớn, bố mẹ nên cho bé ăn đồ lỏng, mát, cho uống thêm nước trắng hoặc các nước hoa quả như nước cam, nước dừa,… để giúp trẻ mau khỏi bệnh. Nếu đã sử dụng phương pháp dùng thuốc, tắm rửa nhưng trẻ vẫn không đỡ thì bố mẹ nên cho bé đi khám để các bác sĩ đề ra phương pháp điều trị phù hợp nhất nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *