TÌM HIỂU PHẢN ỨNG PHẢN VỆ: KHÁI NIỆM, NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Tìm hiểu chung

Phản ứng phản vệ là gì?

Phản vệ (anaphylaxis) là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng. Phản ứng phản vệ có thể xảy ra trong vòng vài giây hoặc vài phút sau khi tiếp xúc với chất làm dị ứng (dị ứng nguyên) như đậu phộng hay nọc độc từ vết đốt của ong. Một loạt các chất hóa học được giải phóng bởi hệ miễn dịch khi phản ứng phản vệ có thể đẩy cơ thể vào tình trạng gọi là sốc phản vệ, khiến huyết áp hạ thấp và gây khó thở.

Người bị phản ứng phản vệ cần được tiêm epinephrine và đưa vào phòng cấp cứu. Nếu không được điều trị ngay, phản vệ có thể dẫn đến mất ý thức hoặc thậm chí tử vong.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của phản ứng phản vệ là gì?

Triệu chứng của phản ứng phản vệ thường xuất hiện trong vòng vài phút sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng. Tuy nhiên, đôi khi phản vệ có thể xảy ra sau 30 phút hoặc lâu hơn.

Những triệu chứng và dấu hiệu của phản vệ bao gồm:

  • Phản ứng ở da, chẳng hạn như nổi mề đay, ngứa, da đỏ rực hoặc tái nhợt
  • Tụt huyết áp
  • Co thắt đường thở và sưng lưỡi hoặc họng, có thể gây thở khò khè, khó thở
  • Mạch nhanh và yếu
  • Buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu

Hãy gọi cấp cứu ngay lập tức nếu bạn, con bạn hoặc người bên cạnh có phản ứng dị ứng nặng. Đừng chờ và hy vọng các triệu chứng thuyên giảm vì điều này sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.

Nếu người đang bị phản ứng phản vệ có mang theo dụng cụ tiêm epinephrine tự động (epinephrine autoinjector, như EpiPen hoặc EpiPen Jr), hãy tiêm cho họ ngay lập tức. Ngay cả khi các triệu chứng phản vệ đã được cải thiện sau khi tiêm epinephrine, thậm chí không còn tiếp xúc với dị ứng nguyên thì vẫn nên đưa người bệnh đi cấp cứu để đảm bảo phản ứng phản vệ không tái phát, dễ gây sốc phản vệ.

Nguyên nhân

Nguyên nhân của phản ứng phản vệ là gì?

Hệ miễn dịch sản xuất nhiều kháng thể đặc hiệu để chống lại những yếu tố ngoại lai xâm nhập vào cơ thể. Phản ứng này là hữu ích khi chất lạ đó là có hại như một số vi khuẩn hoặc virus. Tuy nhiên, một số người có hệ miễn dịch phản ứng thái quá (quá mẫn cảm) đối với một số chất thường là vô hại như thức ăn hằng ngày. Khi điều này xảy ra, hệ miễn dịch khởi động một chuỗi phản ứng hóa học dẫn đến các hiện tượng dị ứng.

Thông thường, các triệu chứng dị ứng không gây tử vong. Tuy nhiên, dị ứng nghiêm trọng có thể dẫn đến phản vệ. Ngay cả khi từng bị dị ứng nhẹ trước đây thì vẫn luôn có khả năng bị phản ứng phản vệ nặng nếu lại tiếp xúc với dị ứng nguyên cũ.

Một số chất gây dị ứng phổ biến nhất ở trẻ em là thực phẩm (đậu phộng, các loại hạt, cá, tôm, cua, sò, ốc và sữa). Ngoài ra, các nguyên nhân kích hoạt phản vệ ở người lớn có thể là:

  • Một số loại thuốc như thuốc kháng sinh (đặc biệt là penicillin), aspirin, các loại thuốc giảm đau không kê đơn và chất cản quang truyền tĩnh mạch dùng trong các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh (như chụp CT)
  • Vết đốt từ côn trùng như ong vàng, ong bắp cày, ong vò vẽ lớn và kiến lửa

Các nguyên nhân gây phản vệ ít gặp hơn bao gồm:

  • Nhựa, cao su (latex)
  • Một số thuốc dùng trong gây mê
  • Tập thể dục, vận động

Phản ứng phản vệ gây ra do vận động hay tập thể dục không phổ biến và khác nhau tùy mỗi người. Ở một số người, các hoạt động hiếu khí (aerobic activity) như chạy bộ có thể gây ra phản vệ. Một số người khác lại xảy ra phản ứng này khi vận động nhẹ nhàng hơn như đi bộ. Việc ăn một số loại thực phẩm trước khi vận động hoặc vận động trong thời tiết nóng, lạnh hoặc ẩm ướt cũng có liên quan tới phản ứng phản vệ ở một số người. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về các biện pháp phòng ngừa cần thiết khi tập luyện.

Nếu không biết nguyên nhân gây dị ứng, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm để xác định. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nguyên nhân gây phản ứng phản vệ vẫn không thể xác định (phản vệ không rõ nguyên nhân).

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc phản vệ, bao gồm:

  • Có tiền sử bị phản vệ. Nếu bạn đã bị phản vệ một lần thì nguy cơ bị phản vệ nặng sẽ cao hơn. Phản ứng dị ứng trong tương lai có thể sẽ nặng hơn lần đầu.
  • Bị dị ứng hoặc hen suyễn. Người mắc 1 trong 2 bệnh này có nguy cơ bị phản vệ cao hơn người khỏe mạnh bình thường.
  • Bệnh sử gia đình. Nếu bạn có người thân trong gia đình bị phản vệ do vận động, bạn có nguy cơ bị loại phản vệ này nhiều hơn người khác.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán phản ứng phản vệ?

Bác sĩ có thể thăm khám bằng cách đặt câu hỏi về tình trạng dị ứng và các phản ứng dị ứng trước đó của người bệnh với:

  • Những loại thực phẩm cụ thể
  • Những loại thuốc có thể gây dị ứng
  • Tiếp xúc với cao su
  • Vết đốt của côn trùng

Để giúp củng cố chẩn đoán, người bệnh có thể cần phải:

  • Làm xét nghiệm da hoặc xét nghiệm máu để tìm dị ứng nguyên, định lượng enzyme tryptase
  • Tránh ăn một số thực phẩm
  • Liệt kê chi tiết về những thức ăn đã ăn trong thời gian gần đây

Một số tình trạng bệnh lý khác cũng có triệu chứng tương tự như phản ứng phản vệ. Do đó, bác sĩ cần loại trừ những nguyên nhân này:

  • Các rối loạn gây co giật
  • Bệnh lý về da hoặc một loại dị ứng gây đỏ da
  • Mastocytosis (bệnh tế bào mast), một rối loạn của hệ thống miễn dịch
  • Các vấn đề về tâm lý gây hoảng loạn
  • Các bệnh về tim hoặc phổi

Những phương pháp điều trị phản ứng phản vệ

Khi phản vệ xảy ra, người bệnh có thể được tiến hành hồi sức tim phổi nếu ngừng thở hoặc tim ngừng đập.

Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được dùng các loại thuốc như:

  • Epinephrine (adrenaline) để làm giảm phản ứng dị ứng của cơ thể
  • Oxy để hỗ trợ tình trạng hô hấp đang bị hạn chế
  • Thuốc kháng histamin và corticoid tiêm đường tĩnh mạch để giảm viêm phù đường thở và cải thiện hô hấp
  • Thuốc chủ vận beta (như albuterol) để cải thiện các triệu chứng hô hấp

Nếu bạn ở bên cạnh người đang bị phản ứng dị ứng và có các dấu hiệu sốc phản vệ (da nhợt nhạt, người lạnh và ẩm nhớt, mạch nhanh nhưng yếu, khó thở, lú lẫn và mất ý thức), ngay cả khi không chắc chắn rằng đó là do phản ứng phản vệ thì bạn vẫn nên làm ngay các bước sau:

  • Gọi 115, số cấp cứu tại địa phương hoặc bất kỳ trợ giúp y tế nào khác.
  • Để nạn nhân nằm ở tư thế thoải mái và nâng cao chân của nạn nhân lên.
  • Kiểm tra mạch và nhịp thở của nạn nhân. Nếu cần thiết, hãy tiến hành hồi sức tim phổi (CPR) hoặc các biện pháp sơ cứu khác.
  • Tiêm thuốc điều trị sốc phản vệ vào đùi nạn nhân nếu nạn nhân có mang thuốc theo mình, có thể là dụng cụ tiêm epinephrine tự động hoặc thuốc kháng histamin.

Sử dụng dụng cụ tiêm tự động

Dụng cụ tiêm tự động là một ống tiêm kết hợp với kim tiêm ẩn chỉ tiêm được một liều thuốc duy nhất khi ấn vào đùi. Đây là dụng cụ được nhiều người có nguy cơ mắc phản vệ mang theo bên mình. Cần đảm bảo epinephrine luôn được thay mới trước khi hết hạn sử dụng hoặc bị hỏng.

Người có nguy cơ phản vệ cũng như người thân cần biết cách dùng dụng cụ tiêm tự động trong trường hợp chưa có sự hỗ trợ từ các nhân viên y tế.

Điều trị lâu dài

Nếu phản ứng phản vệ xảy ra do côn trùng đốt, người bệnh có thể phải tiêm nhiều mũi dự phòng dị ứng (liệu pháp miễn dịch) để làm giảm phản ứng dị ứng của cơ thể và ngăn ngừa phản ứng nghiêm trọng trong tương lai.

Biến chứng

Biến chứng của phản ứng phản vệ là gì?

Phản ứng phản vệ nặng có thể đe dọa đến tính mạng vì nó có thể gây ngừng thở hoặc ngưng tim. Trong trường hợp này, người bệnh cần phải được hồi sức tim phổi (CPR) và các xử trí cấp cứu khác ngay lập tức.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa phản ứng phản vệ?

Hiện vẫn chưa có cách điều trị dứt điểm sự rối loạn của hệ miễn dịch dẫn tới phản ứng phản vệ. Tuy nhiên, bạn có thể làm theo các bước sau để phòng tránh và có biện pháp đối phó với phản ứng phản vệ trong tương lai:

  • Tránh tiếp xúc các yếu tố gây dị ứng càng nhiều càng tốt.
  • Nếu được, hãy luôn mang theo epinephrine tự tiêm bên mình như EpiPen, EpiPen Jr hoặc Twinject. Cần đảm bảo dụng cụ tiêm tự động chưa hết hạn (những loại thuốc này thường có hạn sử dụng trong 18 tháng).
  • Đeo vòng cổ hoặc vòng tay cảnh báo y tế với thông tin một số loại thuốc cụ thể hoặc các chất mà bạn dị ứng.
  • Luôn thông báo cho bác sĩ về tình trạng dị ứng thuốc của bản thân trước khi điều trị y tế. Nếu có tiêm thuốc, cần đợi ít nhất 30 phút trước khi rời phòng khám để phòng trường hợp gặp phản ứng phản vệ.
  • Nếu bị dị ứng do côn trùng đốt, hãy thật cẩn thận khi ở gần chúng. Mặc áo tay dài và quần dài, mang giày, không mang dép hoặc đi chân đất trên cỏ. Tránh mặc màu sặc sỡ hay xịt nước hoa lên người. Trong trường hợp chưa được chuẩn bị, hãy giữ bình tĩnh và di chuyển từ từ ra xa, tránh vỗ đập côn trùng.
  • Nếu bị dị ứng với một loại thực phẩm cụ thể, hãy đọc kỹ nhãn mác của tất cả các loại thực phẩm bạn định dùng. Quy trình sản xuất có thể thay đổi, vì vậy hãy luôn kiểm tra thành phần của thực phẩm trước khi ăn uống. Khi ăn ở hàng quán, hãy hỏi về các thành phần trong món ăn.
  • Tham vấn ý kiến bác sĩ để có kế hoạch từng bước cần làm để đối phó nếu phản vệ xảy ra và chia sẻ với giáo viên, người giữ trẻ hay người chăm sóc của bạn hoặc người thân.

Các bài viết của Thuanmoc.vn chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *