VÌ SAO DẤU HIỆU DỊ ỨNG CHỈ XUẤT HIỆN VÀO BUỔI SÁNG?

Những triệu chứng như nghẹt mũi, hắt hơi hay chảy nước mũi liên tục do dị ứng có thể xuất hiện vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, khiến người bệnh khó chịu và mệt mỏi vì phải đối phó với chúng. Tuy nhiên, không ít trường hợp dấu hiệu dị ứng chỉ xảy ra vào buổi sáng. Vì sao lại như vậy?

Bạn có bao giờ tự hỏi vì sao mình lại phải chào ngày mới bằng một loạt biểu hiện khó chịu như nổi mẩn đỏ, ngứa mắt, sổ mũi…? Đây có thể là dấu hiệu của dị ứng và vì một số nguyên nhân, chúng chỉ xuất hiện vào buổi sáng. Hãy cùng Thuanmoc.vn tìm hiểu những yếu tố có thể gây kích ứng dị ứng vào sáng sớm nhé.

Do đâu người bệnh có dấu hiệu bị dị ứng vào buổi sáng?

Dị nguyên được xem là nguyên nhân chính gây dị ứng. Với trường hợp dấu hiệu dị ứng chỉ diễn ra vào buổi sáng, các dị nguyên gây bệnh có thể kể đến như:

1. Phấn hoa

Theo bác sĩ, người bị dị ứng phấn hoa thường cảm thấy các triệu chứng tệ hơn vào buổi sáng vì đây là thời điểm số lượng phấn hoa phát tán trong không khí nhiều nhất trong ngày. Vì vậy, những thói quen hoạt động ngoài trời tưởng chừng lành mạnh như chạy bộ, tập thể dục và dắt chó đi dạo vào sáng sớm… có thể khiến bạn sụt sịt mũi, hắt hơi và ho liên tục do tiếp xúc với lượng lớn phấn hoa.

2. Mạt bụi cũng có thể gây dị ứng vào sáng sớm

Mạt bụi là những con bọ nhỏ có xu hướng cư ngụ trên nệm, gối, giường và một số đồ nội thất khác. Tuy không gây bệnh truyền nhiễm nhưng chúng có thể kích thích phản ứng dị ứng phát sinh. Do đó, nếu bạn “ngủ chung” với mạt bụi, việc thức dậy với hàng loạt dấu hiệu nổi mẩn đỏ, mề đay và ngứa khắp người do dị ứng hoàn toàn có thể xảy ra.

3. Lông thú cưng

Nếu bạn để chó, mèo cưng ngủ chung trong phòng hoặc tự ý vào phòng ngủ chơi đùa, thì lông dính vảy da chết hoặc nước bọt của chúng có thể bám lại trên giường, thảm. Ngủ trong môi trường nhiều dị nguyên như vậy khiến bạn dễ hắt hơi, sổ mũi hay tệ hơn là nổi mề đay vào sáng hôm sau.

4. Nấm mốc

Nấm mốc là một nguyên nhân khác có khả năng kích thích các dấu hiệu dị ứng xảy ra vào sáng sớm, đặc biệt nếu:

  • Trong phòng ngủ của bạn có nấm mốc
  • Phòng ngủ gần nơi nhiễm nấm mốc, ví dụ như phòng tắm

Các yếu tố khiến dấu hiệu dị ứng trở nặng vào sáng sớm

Bên cạnh dị nguyên, một số yếu tố khác cũng có khả năng gây ra các dấu hiệu tương tự dị ứng hoặc góp phần khiến triệu chứng tệ hơn vào sáng sớm bao gồm:

1. Mùi hương quá nồng

Những mùi hương công nghiệp quá nồng từ sản phẩm làm sạch, chăm sóc da như sữa tắm, kem dưỡng da hoặc tinh dầu… có thể kích thích mao mạch trong mũi, gây tắc nghẽn và tăng tiết dịch nhầy, cuối cùng dẫn đến đau họng, ho và sổ mũi. Những triệu chứng dị ứng này sẽ càng tệ hơn vào buổi sáng nếu bạn có thói quen sử dụng các sản phẩm chứa hương liệu nồng như trên vào ban đêm.

2. Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc như ibuprofen, aspirin, thuốc an thần hoặc thuốc hạ huyết áp có nguy cơ gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến mạch máu trong mũi. Việc dùng thuốc trước khi đi ngủ có thể gây nghẹt hoặc sổ mũi vào sáng hôm sau.

3. Trào ngược axit dạ dày

Nếu bạn có tiền sử dị ứng, đồng thời lại mắc bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, các dấu hiệu dị ứng như đau họng, chảy dịch mũi sau và ho sẽ trở nên nghiêm trọng mỗi khi bạn thức dậy. Nguyên nhân là do thói quen nằm ngửa khi ngủ có thể góp phần khiến dịch axit dạ dày dễ dàng kích ứng cổ họng và gây ra các triệu chứng trên.

4. Thay đổi nội tiết tố

Nồng độ hormone thay đổi có thể góp phần gây nghẹt, sổ mũi và hắt hơi liên tục. Tình trạng này sẽ diễn ra vào sáng sớm nếu bạn tiếp xúc với dị nguyên trong lúc ngủ.

Phòng ngừa, hạn chế dấu hiệu dị ứng vào buổi sáng

Thay đổi thói quen sinh hoạt theo các gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế tình trạng chào ngày mới với các dấu hiệu dị ứng khó chịu. Những mẹo nhỏ này bao gồm:

  • Không để thú cưng vào phòng ngủ
  • Tắm cho thú cưng ít nhất một lần mỗi tuần
  • Hạn chế dùng thảm lông, hãy thay thế bằng thảm lót sàn làm từ gỗ hoặc gạch
  • Điều chỉnh độ ẩm trong phòng ngủ thấp hơn 50% để diệt mạt bụi
  • Dùng tấm phủ chống mạt bụi trên nệm và gối khi bạn không sử dụng chúng
  • Vệ sinh drap giường cũng như phòng ngủ mỗi tuần một lần
  • Đóng cửa sổ trước khi đi ngủ
  • Nâng cao gối khi ngủ nhằm hạn chế dịch axit chảy ngược lên họng nếu bạn mắc bệnh
  • Dùng thuốc chống dị ứng trước khi đi ngủ theo chỉ định của bác sĩ

Thực tế, những dấu hiệu, triệu chứng dị ứng vào buổi sáng không chỉ làm bạn chán nản, mệt mỏi khi chỉ mới đầu ngày mà còn có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ trước đó. Tình trạng này kéo dài sẽ gây ra nhiều biến chứng tiêu cực cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Vì vậy, bên cạnh việc dùng thuốc theo toa, bạn cũng đừng quên thay đổi một số thói quen sống để hạn chế dị ứng nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *