NGHIÊN CỨU MỚI CHỈ RÕ VÌ SAO NHIỀU NGƯỜI TIẾP XÚC GẦN VỚI F0 MÀ KHÔNG BỊ NHIỄM COVID-19

Nghiên cứu công bố mới đây của các nhà khoa học tại Đại học London (Anh) được công bố trên tạp chí Nature đã giải thích nguyên nhân vì sao một số người không bị nhiễm virus SARS-CoV-2 mặc dù tiếp xúc với F0.

Theo kết quả nghiên cứu được công bố, nguyên nhân một số người không bị nhiễm virus SARS-CoV-2 mặc dù tiếp xúc với F0 có thể là nhờ phản ứng của tế bào T – tế bào bạch cầu đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch của cơ thể.

Quá trình nghiên cứu cho kết quả, một số người không bị nhiễm SARS-CoV-2 có thể là nhờ phản ứng của tế bào T (tế bào miễn dịch của cơ thể) từ những lần nhiễm virus corona dạng cảm lạnh trước đó.

Nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, các tế bào T chống lại các loại virus corona khác có thể nhận ra SARS-CoV-2. Tuy nhiên, phải đến công trình khoa học này đã chỉ rõ các tế bào T ảnh hưởng đến khả năng bị lây nhiễm khi một người tiếp xúc với virus SARS-CoV-2.

“Tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 không phải lúc nào cũng dẫn đến việc bị lây nhiễm. Chúng tôi phát hiện ra rằng, nồng độ cao của các tế bào T tồn tại từ trước, được tạo ra bởi cơ thể khi bị nhiễm các loại virus corona khác ở người, có thể bảo vệ cơ thể chống lại sự lây nhiễm COVID-19”. Báo Dân trí dẫn lời Tiến sĩ Rhia Kundu, Viện Tim & Phổi Quốc gia của Hoàng gia Anh (tác giả chính của nghiên cứu).

Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên 52 người bị phơi nhiễm SARS-CoV-2, do họ sống với bệnh nhân COVID-19 (đã được khẳng định bằng xét nghiệm PCR) và xét nghiệm lại vào thời điểm 4 và 7 ngày sau, để xác định xem họ có bị lây nhiễm hay không. Những người tham gia nghiên cứu cũng có thể họ đã từng phơi nhiễm với các loại virus thuộc họ corona như virus gây bệnh cảm lạnh thông thường.

Theo kết quả nghiên cứu, tế bào T giúp cơ thể miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2.

Nghiên cứu chỉ ra, khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập, ở một số người có thể kích hoạt các tế bào T giúp cơ thể ghi nhớ những bệnh trước đây, qua đó đào thải virus trước khi virus gây ra các triệu chứng. Điều này có thể giải thích cho kết quả xét nghiệm âm tính ở một số người dù họ tiếp xúc với mầm bệnh. Các tế bào T này nhắm mục tiêu vào các protein bên trong của virus SARS-CoV-2, thay vì protein gai trên bề mặt của virus, để bảo vệ chống lại sự lây nhiễm.

“Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp bằng chứng rõ ràng nhất cho đến nay rằng, các tế bào T chống lại virus corona gây bệnh cảm lạnh thông thường đóng vai trò bảo vệ chống lại sự lây nhiễm SARS-CoV-2”, Giáo sư Ajit Lalvani, một thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ.

Tiến sĩ Lucy McBride (một bác sĩ ở Washington, D.C, Mỹ) cho hay, không nhất thiết ai tiếp xúc với F0 cũng mắc COVID-19. Theo bà Lucy, có thể lấy virus cúm làm ví dụ để so sánh với virus SARS-CoV-2 mà Omicron là biến thể mới nhất. Không phải hai virus này đều giống nhau, nhưng có thể có trường hợp người mắc cúm trong gia đình lây cho người này mà không lây cho người khác. Tương tự, có thể gặp trường hợp người mắc COVID-19 trong gia đình chỉ lây cho một số đối tượng và “bỏ qua” cho những đối tượng khác.

Con người và virus liên quan tới nhau theo những cách khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố khác nhau. Việc một người có nhiễm bệnh sau khi tiếp xúc với người mắc COVID-19 trong gia đình hay không phụ thuộc trực tiếp vào lượng virus do người dương tính với COVID-19 thải ra, các điều kiện trong không gian đó, hệ thống miễn dịch và tình trạng tiêm chủng của người bị phơi nhiễm.

Có người hít một tải lượng virus nhỏ từ người bị nhiễm bệnh, nhưng cũng có người hít phải một tải lượng virus lớn. Nói cách khác, mỗi người có thể đã hít phải một lượng virus khác nhau. Ngoài ra, mỗi người đều có phản ứng khác nhau đối với virus dựa trên tình trạng bệnh nền, hệ thống miễn dịch và các yếu tố khác.

Nhiều người xét nghiệm âm tính dù tiếp xúc với F0.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị người dân nên xét nghiệm khi đã tiếp xúc hoặc có thể tiếp xúc một người nào đó mắc COVID-19, hoặc nếu có các triệu chứng COVID-19.

Người dân có thể thực hiện quy trình tự test nhanh gồm:

  • Bước 1: Chuẩn bị tuýp dung dịch đệm (buffer) theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
  • Bước 2: Tự lấy mẫu trước gương hoặc thực hiện thao tác lấy mẫu cho các thành viên khác trong gia đình.
  • Bước 3: Dùng tay xoay đều tăm bông trong tuýp nhựa chứa dung dịch đệm, nhúng que tăm bông lên xuống trong dung dịch đệm (10 lần).
  • Bước 4: Chuyển tay lên phần thân trên tuýp, bóp chặt và rút từ từ que tăm bông. Đảm bảo vắt sạch toàn bộ dung dịch còn đọng trên đầu tăm bông xuống đáy tuýp.
  • Bước 5: Đóng chặt nắp màng lọc, lắc đều dung dịch trong tuýp bằng tay (5 lần).
  • Bước 6: Ghi tên mỗi thành viên lên từng khay test tương ứng. Nhỏ 3-5 giọt dung dịch trên vào giếng test.
  • Bước 7: Đọc kết quả sau 15-30 phút theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Sau khi test nhanh COVID-19, các trường hợp hiển thị kết quả có thể xảy ra:

  • Âm tính: Vạch C nổi, vạch T không nổi.
  • Dương tính: Cả 2 vạch màu đều nổi, kể cả vạch T mờ.
  • Kết quả không hợp lệ (có thể do thực hiện test sai hoặc bộ sản phẩm không đạt chất lượng): Cả 2 vạch không nổi; hoặc vạch T nổi, vạch C không nổi.

Mỗi kit test đều đi kèm hướng dẫn và thời gian kết quả có hiệu lực, rơi vào khoảng 15-30 phút. Ngoài việc lấy mẫu đúng cách, chỉ nên chỉ đọc kết quả kiểm tra trong khung thời gian được chỉ định trong hướng dẫn. Nếu không, kết quả này có thể sai sót và gây hiện tượng âm tính giả, dương tính giả.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *