NGUYÊN NHÂN KHIẾN BẠN BỊ NGỨA MŨI VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Cảm giác ngứa mũi là triệu chứng khó chịu phổ biến gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Nếu bạn thắc mắc ngứa mũi là bệnh gì? Đây thực chất là triệu chứng rất phổ biến và có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh khác nhau.

Bài viết sau của Thuần mộc sẽ tổng hợp 9 nguyên nhân ngứa mũi thường gặp và chia sẻ cho bạn cách làm sao để hết ngứa mũi nhé!

1. Cảm lạnh do virus

Nguyên nhân gây ngứa mũi có thể vì chứng cảm lạnh thông thường do virus. Cảm lạnh là tình trạng có thể xuất hiện ở bất cứ mùa nào trong năm, nhưng phổ biến nhất vào mùa đông và mùa xuân. Trên thực tế, hầu hết người trưởng thành có thể bị cảm lạnh 2 – 3 lần mỗi năm, thậm chí còn nhiều lần hơn đối với trẻ em.

Triệu chứng ngứa mũi có thể là cách mà cơ thể báo hiệu bạn rằng bạn sắp bị cảm lạnh. Khi vi trùng gây cảm lạnh xâm nhập vào mũi và xoang, mũi của bạn sẽ cố gắng loại bỏ vi sinh vật thông qua chất nhầy. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể gặp phải triệu chứng hắt hơi, đây là một cách khác mà cơ thể bạn loại bỏ vi trùng gây ngứa mũi.

2. Tại sao bị ngứa mũi? Dị ứng mũi

Chứng ngứa mũi do dị ứng xảy ra khi cơ thể bạn có phản ứng miễn dịch với chất gây kích ứng trong môi trường bên ngoài. Khi bạn bị tình trạng dị ứng, cơ thể bạn nhầm lẫn những chất gây kích thích này có khả năng gây hại, giống như virus cúm và gây ra các triệu chứng giống như cảm lạnh. Nhiều người bị dị ứng với cả các chất trong nhà và ngoài trời, chẳng hạn như vẩy da thú cưng, phấn hoa và mạt bụi.

Dị ứng có thể xảy ra theo mùa hoặc kéo dài cả năm, gây viêm nhiễm khó chịu trong mũi, khiến bạn có cảm giác nhột, ngứa ngáy trong mũi.

3. Chất kích thích từ môi trường

Tại sao lại ngứa mũi? Có nhiều chất kích thích trong môi trường không khí có thể gây khó chịu với đường mũi, làm ngứa mũi. Tình trạng này hay còn gọi là viêm mũi không dị ứng. Các triệu chứng xảy ra giống như dị ứng theo mùa, nhưng cơ thể bạn không có phản ứng miễn dịch. Bạn có thể bị sổ mũi hoặc gặp các tình trạng kích ứng mũi khác. Các chất gây kích thích mũi phổ biến bao gồm nước hoa, khói bụi và hóa chất từ các sản phẩm làm sạch.

4. Mũi bị ngứa do viêm xoang

Viêm xoang có thể là tình trạng cấp tính (kéo dài trong một thời gian ngắn) hoặc mãn tính (kéo dài một thời gian dài). Nếu bạn cảm thấy ngứa mũi trong hơn một vài tuần kèm với các triệu chứng khác, bạn có thể đang mắc phải viêm xoang mãn tính.

Viêm xoang mãn tính là một tình trạng phổ biến xảy ra khi đường mũi và xoang bị viêm sưng. Tình trạng này kéo dài ít nhất 12 tuần và có thể kèm một số triệu chứng sau:

  • Mệt mỏi
  • Khó thở bằng mũi
  • Khó chịu, ngứa mũi
  • Đau và nhạy cảm quanh mắt

Để giảm tình trạng ngứa mũi, bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng thuốc xịt hoặc thuốc nhỏ trị nghẹt mũi. Nếu đau đầu nhẹ, bạn có thể dùng thuốc giảm đau chứa paracetamol, hoặc thuốc kháng histamine hay thuốc xịt mũi corticosteroid trong trường hợp sưng, nghẹt mũi.

5. Ngứa mũi là bệnh gì? Polyp mũi

Ngứa mũi do polyp mũi thường xảy ra ở những người bị viêm xoang mạn tính. Khối polyp thường phát triển nhỏ, mềm (không phải ung thư) trong niêm mạc mũi của bạn. Tình trạng này cũng có thể do hen suyễn, dị ứng, nhạy cảm với thuốc hoặc một số rối loạn miễn dịch. Khối polyp nếu tăng trưởng lớn hơn có thể gây khó chịu, dẫn đến các vấn đề về hô hấp và mất khứu giác.

Trường hợp có một hoặc nhiều polyp mũi nhỏ, bạn có thể sử dụng thuốc xịt mũi hoặc thuốc đường uống chứa corticosteroid, thuốc chống dị ứng, nhiễm trùng và thuốc kháng nấm. Tuy nhiên, bạn có thể cần phẫu thuật cắt polyp hoặc phẫu thuật nội soi xoang trong trường hợp thuốc không mang lại hiệu quả.

6. Đau nửa đầu có thể gây ngứa mũi

Nhiều người thường không biết rằng đau đầu không phải là triệu chứng duy nhất của chứng bệnh đau nửa đầu. Tình trạng đau nửa đầu có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, chẳng hạn như:

  • Mắt nhìn mờ
  • Buồn nôn, nôn
  • Nhạy cảm với ánh sáng

Chứng đau nửa đầu diễn ra theo từng giai đoạn. Cảm giác ngứa mũi và các vùng khác trên mặt cũng là dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị đau nửa đầu.

7. Dùng máy áp lực dương liên tục

Máy thở áp lực dương liên tục (continuous positive airway pressure – CPAP) là loại máy được sử dụng cho chứng ngưng thở khi ngủ. Tuy nhiên loại máy này có thể khiến bạn bị ngứa mũi. Đây là một trong những vấn đề phổ biến thường xảy ra đối với người dùng máy CPAP.

Để xử lý tình trạng ngứa mũi do dùng máy CPAP, bạn hãy báo bác sĩ để được điều chỉnh tăng độ ẩm hoặc sử dụng mặt nạ lót.

8. Khô mũi gây ngứa mũi

Khi đường mũi bị khô có thể khiến bạn bị khó chịu, gây kích thích, đau đớn hoặc ngứa mũi. Tình trạng khô mũi thường xảy ra do xì mũi quá nhiều. Bên cạnh đó, một số loại thuốc trị dị ứng và cảm lạnh cũng có thể làm khô mũi của bạn.

Đây là tình trạng xảy ra khá phổ biến trong mùa đông là do lớp niêm mạc mũi mỏng rất dễ tổn thương, phải chịu ảnh hưởng trực tiếp làm lớp mao mạch bên trong niêm mạc bị khô và đau gây ngứa mũi.

9. Khối u trong mũi

Sự tăng trưởng những khối u trong mũi có thể là ung thư (ác tính) hoặc không ung thư (lành tính). Ung thư đường mũi rất hiếm gặp và thường không gây ra triệu chứng. Các triệu chứng có thể gặp phải bao gồm ngứa mũi, không ngửi được mùi, nghẹt mũi, lở loét bên trong mũi và thường xuyên bị nhiễm trùng xoang.

Lưu ý:

Việc điều trị ung thư mũi cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Các phương pháp thực hiện có thể bao gồm thẫu thuật loại bỏ khối u, xạ trị và hóa trị.

Cách khắc phục tình trạng ngứa mũi

Vậy làm sao để hết ngứa mũi? Tùy thuộc vào nguyên nhân sẽ có những cách điều trị khác nhau. Sau đây là một số cách có thể giúp bạn cải thiện tình trạng này.

  • Tránh chất gây kích thích: Bạn nên hạn chế tiếp xúc nếu bạn gặp vấn đề với chất gây dị ứng như vẩy da thú cưng, phấn hoa, bụi, nước hoa, hóa chất.
  • Dùng thuốc chống dị ứng: Thuốc chống dị ứng OTC có thể giúp bạn giảm triệu chứng dị ứng theo mùa và trong nhà. Thuốc có dạng viên và dạng xịt, bạn hãy đến nhà thuốc để được tư vấn rõ hơn trước khi sử dụng.
  • Uống thuốc điều trị cảm lạnh: Bạn hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chỉ định thuốc điều trị cảm lạnh hoặc thuốc làm thông mũi.
  • Hạn chế xì mũi: Thói quen xì mũi nhiều lần có thể gây tổn thương, khô và kích ứng vùng mũi của bạn.
  • Tránh ngoáy mũi: Ngoáy mũi có thể gây ra những vấn đề tiềm ẩn như gây viêm, nhiễm trùng, tổn thương các mô, lông mũi và gây chảy máu mũi.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm: Để hạn chế tình trạng khô mũi, bạn có thể sử dụng máy tạo độ ẩm, đặc biệt vào mùa đông hoặc ban đêm.
  • Dùng thuốc xịt mũi capsaicin: Capsaicin là thành phần hoạt chất trong ớt, ban đầu sử dụng có thể làm nóng, kích thích mũi của bạn một lúc, rồi sau đó sẽ dịu dần qua thời gian.
  • Sử dụng neti pot: Neti pot là bình rửa mũi chuyên dụng trong yoga, sử dụng dung dịch nước muối đi qua đường mũi. Đây là một trong những cách tốt để loại bỏ chất nhầy và chất kích thích dư thừa giúp bạn cảm thấy sảng khoái hơn.
  • Nghỉ ngơi nhiều: Nếu bạn bị cảm lạnh hoặc cúm, bạn hãy nên nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt, điều này sẽ giúp bạn nhanh chóng hồi phục bệnh.
  • Uống nhiều nước: Cơ thể được bù đầy đủ nước sẽ giúp bạn chống lại tình trạng nhiễm trùng hoặc virus.
  • Thay đổi chế độ ăn uống: Các nhà nghiên cứu khuyến cáo bạn nên bổ sung các thực phẩm giúp hỗ trợ điều trị các vấn đề về mũi như mật ong, thảo dược butterbur, capsaicin, chiết xuất hạt nho và axit béo omega-3.

Những thông tin trên hy vọng có thể giúp bạn hiểu hơn về 9 nguyên nhân khiến bạn bị ngứa mũi và làm sao để hết ngứa mũi. Nếu tình trạng ngứa vẫn tiếp tục xảy ra kèm theo các triệu chứng khó chịu bất thường khác, bạn hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị hợp lý nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *